'Cá kình' trên tàu Cảnh sát biển

Trung úy Thạnh (trái) kiểm tra máy trước khi tàu khởi hành Ảnh: Ng.Minh
Trung úy Thạnh (trái) kiểm tra máy trước khi tàu khởi hành Ảnh: Ng.Minh
TP - Tại Vùng 1 Cảnh sát biển (CSB), cán bộ, chiến sĩ Hải đội 101 gọi trung uý chuyên nghiệp, phụ trách tổ máy trên tàu CSB 2008 Nguyễn Văn Thạnh là 'cá kình'.

> Nhớ thời tiếp quản Trường Sa

Trung úy Thạnh (trái) kiểm tra máy trước khi tàu khởi hành Ảnh: Ng.Minh
Trung úy Thạnh (trái) kiểm tra máy trước khi tàu khởi hành.
Ảnh: Ng.Minh.
 

Quê Quỳnh Phụ (Thái Bình), năm 1995, Nguyễn Văn Thạnh khoác balô vào quân ngũ. Hết thời gian nghĩa vụ, anh tình nguyện ở lại Đoàn 6 (Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển thuộc Quân chủng Hải quân), gắn đời mình với những chuyến đi biển. Sau 10 năm, duyên nợ với biển đảo lại đưa anh về nhận nhiệm vụ ở tàu CSB 2008.

Với tay nghề lão luyện, cùng kinh nghiệm nhiều năm trên biển, trung uý Thạnh được giao phụ trách tổ máy chính của chiếc tàu CSB 2008 hiện đại. Từ cuối năm 2008 đến nay, anh có hơn 20 chuyến đi biển, mỗi chuyến thường kéo dài 10 ngày đến một tháng, trên vùng biển từ cửa sông Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.

Trước khi tàu rời bến, cùng với những người lính thợ khác, trung úy Thạnh lại cần mẫn kiểm tra máy móc, đến mức quen thuộc từng vị trí của mỗi chiếc ốc vít, nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng thuận buồm xuôi gió. Kỷ niệm trung uý Thạnh nhớ nhất là lần truy đuổi chiếc tàu biển lớn buôn lậu than đi Trung Quốc tại vùng biển Bạch Long Vĩ vào tháng 7-2010. Khi tàu CSB 2008 chuẩn bị cập mạn chiếc tàu buôn lậu để kiểm tra, tổ máy số 3 do anh Thạnh phụ trách bất ngờ gặp sự cố. Nhờ phán đoán kịp thời, anh phát hiện ngay được nguyên nhân sự cố phát sinh ở bộ phận bơm nước làm mát, nằm khuất sâu dưới tổ máy.

Sau khi hội ý và xin ý kiến của Ban chỉ huy tàu, phương án thay thế khẩn cấp bơm làm mát được anh Thạnh thực hiện trong vòng ít phút. Ngay sau đó, tàu CSB 2008 đã tiếp tục truy đuổi và phá vỡ vụ buôn lậu tài nguyên lớn này.

Được biết, nhờ có hậu phương vững chắc nên trung uý Thạnh luôn yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên biển. Vợ anh là giáo viên, một mình chăm lo 2 con nhỏ, nhưng chị luôn động viên, chia sẻ với công việc của chồng. “Khi nhà tôi sinh cháu thứ 2, tôi đang làm nhiệm vụ trên Vịnh Bắc Bộ. Cháu được 15 ngày tuổi, tàu mới cập cảng. Nhiều khi vợ con đau ốm, tôi không về kịp”, trung uý Thạnh tâm sự.

“Đồng chí Thạnh là quân nhân ưu tú trong đơn vị, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng luôn an tâm tư tưởng. Đặc biệt, trung uý Thạnh có năng lực chuyên môn cao, lại thường xuyên học hỏi kỹ thuật mới, nên không để xảy ra những sai sót chủ quan và chịu được áp lực công việc. Chúng tôi gọi anh ấy là Cá kình của tàu CSB 2008 và Hải đội 101”, Thượng uý Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu CSB 2008, nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG