Ca khúc 'hit' lạc tới đề thi văn

Bộ đôi Jack và K- ICM đã “lọt vào mắt xanh” một số người ra đề thi văn THPT
Bộ đôi Jack và K- ICM đã “lọt vào mắt xanh” một số người ra đề thi văn THPT
TP - Chưa bao giờ ca khúc “hit” của “sao” Việt lại có giá như bây giờ. Chúng trở thành “con cưng” trong đề thi môn ngữ văn của một số trường trung học phổ thông. Khác với sự hào hứng đón nhận “thần tượng” của học trò, những người làm chuyên môn bày tỏ nỗi trăn trở, âu lo.

Người ra đề thi là fan của “thần tượng”?

Sơn Tùng M-TP là “thần tượng” hay “lạc trôi” vào đề thi nhất. Hơn 4 năm trước, một đoạn trong bài “Thái Bình mồ hôi rơi” của Sơn Tùng, đã xuất hiện trong đề thi văn khảo sát lớp 9 vào Trường THPT thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình (vòng 3) gây nên dư luận trái chiều.

Cụ thể trong câu 1, phần II: “Trong bài hát “Thái Bình mồ hôi rơi” của nam ca sỹ Sơn Tùng M-TP có câu hát: Chạy theo đam mê con sợ con quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ. Hãy viết một bài viết ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề gợi ra từ câu hát”. Có người đặt câu hỏi: “Thái Bình mồ hôi rơi” có gì độc đáo về ngôn ngữ văn học để được vào đề thi? Bao nhiêu bài hát về Thái Bình hay sao không chọn, lại chọn sáng tác của Sơn Tùng?  

Mặc dư luận khen chê, đề thi môn văn tiếp tục mời Sơn Tùng góp vui. Hai năm trước đề KSCL THPT Quốc gia lần 3 năm học  2016-2017 của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, ở phần đọc hiểu đã đưa đoạn trích trong lời bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng- MTP: “Người theo hương hoa mây mù giăng lối/Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi/Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn/Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi/Đường xưa cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rơi/Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng/Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay …”.

Đề thi đưa ra mấy yêu cầu: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên; Chỉ ra các từ Hán-Việt được sử dụng trong sáu dòng đầu của đoạn trích; Theo anh/chị, vì sao tác giả lại cho rằng: Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/Ta lạc trôi giữa trời; Thông điệp mà đoạn trích trên muốn gửi đến mọi người là gì?

Nhiều ngôi sao giải trí khác cũng được sắp xếp vào đề thi. Phải ghi nhận một số người ra đề thi nắm chắc tình hình showbiz.  Vượt mặt Sơn Tùng M-TP trên trận địa MV thịnh hành nhất YouTube chính là Jack và K-ICM. Bộ đôi này đã vinh dự góp mặt trong đề kiểm tra học kỳ I Lớp 10, Năm học 2019-2020, môn Văn  của Trường THPT Tam Hiệp, tỉnh Đồng Nai với đoạn trích trong bài hát “Việt Nam tôi”.

Có 4 yêu cầu được đưa ra, đáng chú ý là hai yêu cầu: Lời bài hát đem đến cho anh/chị cảm xúc gì? Anh chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: “Hào khí cha ông ta muôn đời bao la/Bao la nước non quê hương Việt Nam ơi”. Học trò cũng có thể hỏi lại những người ra đề, phải hiểu thế nào về hai câu “Thề khó khăn gian nguy nào/Hiên ngang bước chân ta về”? Một đoạn trích có những câu diễn đạt tối nghĩa.

Trường hợp gây tranh cãi chính là Chi Pu. Đề kiểm tra học kỳ I năm học 2017-2018, môn Ngữ Văn- Lớp 10, Trường THPT Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), câu 2: “…Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV “Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ”. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội (…) Mặc cho dư luận “ném đá”, Giọng ca “Từ hôm nay” cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV. Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.  Một khán giả đề nghị: Chi Pu nên khẩn trương kết nạp người ra đề thi vào fan club của mình. Fan cứng là đây chứ đâu!

Ca khúc 'hit' lạc tới đề thi văn ảnh 1 Chi Pu, nhân vật giải trí nhiều tranh cãi, cũng thành đề tài để học sinh tập viết bài tự sự

Văn học phải dựa hơi ca khúc thời thượng, là hỏng

Trước câu hỏi: “Là một nhà giáo dạy văn học, ông đánh giá hiện tượng nhiều ca khúc “hit” của nghệ sỹ trẻ được đưa vào đề thi văn ra sao?”. Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương nói: “Phải xác định tính mục đích của việc dạy môn văn trong nhà trường là để làm gì? Hiện nay, việc dạy hàng loạt môn thuộc KHXH trong nhà trường phổ thông đang mất phương hướng, như Lịch sử, Đạo đức- Giáo dục công dân, nên đội ngũ giáo viên hoặc dạy theo quán tính cũ hoặc loay hoay cải tiến, sáng tạo nhưng lại trôi theo thị hiếu của đám đông”.

Chúng tôi hỏi: “Ở Trung Quốc có hiện tượng ra đề thi chạy theo ca khúc thời thượng hay không?”. Người từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa Trung Quốc đáp: “Trung Quốc thi thoảng cũng ra đề “cởi mở” vượt rào từ cảm hứng của một vài bài hát đương đại nhưng cũng phải là bài thật đặc sắc chứ không nhôm nhoam như ta”.

Là người có thơ in trong sách giáo khoa, tác giả “Nói với con” - nhà thơ Y Phương nói: “Văn học có tiêu chí của chủ nghĩa nhân văn, của cái đẹp. Tôi không chấp nhận việc đưa những đoạn trích ca khúc như thế này vào đề thi văn cho học sinh”. Nhà thơ Trần Nhương: “Cái này chẳng qua để đánh vào thị hiếu của lớp trẻ thôi. Nhưng văn chương đâu phải thế. Người ra đề không chuẩn khi hướng lớp trẻ đi theo đích khác”.

Quan điểm của giáo sư Trần Ngọc Vương: “Mượn tác động của ca khúc thời thượng là thất bại của văn học”. Nhà thơ Trần Nhương cũng có cách nhìn tương tự: “Văn chương là cái cốt, là “mẹ đẻ”. Chứ văn chương không phải mượn đôi cánh của ca khúc “hit” mới bay được”.

Xúc phạm người sáng tác?

Nhà thơ, nhà báo Lương Ngọc An đánh giá yếu tố tích cực khi đưa ca khúc “hit” vào đề thi văn: “Điều này cho thấy, ngành giáo dục thực sự đã có cởi mở, vượt ra khỏi khuôn mẫu của đề thi môn văn từ xưa đến nay. Mong muốn của một số trường THPT là rất tốt, đưa cái gần gũi, cái học trò hiểu nhất vào đề thi”.

Nhưng nhà thơ khen chẳng qua chỉ để chê sâu hơn: “Việc đưa ca khúc thời thượng vào đề thi văn, chứng tỏ một số người ra đề thi chưa nhìn thấy trách nhiệm của mình, là phải định hướng cho lớp trẻ. Họ chỉ làm được một nửa trách nhiệm, không lo đến việc lớn, chưa có tầm nhìn. Xuất phát từ mục đích tốt là đưa chất đời sống vào đề thi nhưng lại thiếu tầm nhìn nên cuối cùng những người được giao nhiệm vụ “trồng người” chỉ chạy theo trào lưu. Một việc làm tưởng hay của một số trường vô tình đã tiếp tay cho sự xuống cấp về thẩm mỹ của giới trẻ”.

Ở ví trí người sáng tác, nhà thơ Lương Ngọc An cảm thấy ít nhiều bị xúc phạm: “Lâu nay có một thứ gần như mặc định, tác phẩm nào được đưa vào sách giáo khoa đều được xem là chuẩn mực, không chỉ trong đánh giá của xã hội mà với người sáng tác cũng thế. Nhưng bây giờ, một số trường THPT đánh đổ chuẩn mực đó, như một sự xúc phạm đối với người sáng tác”.

Trước luồng dư luận khác nhau quanh đưa ca khúc “hit” vào đề thi văn, một giáo viên dạy văn cấp 3 ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám- Quảng Ninh lên tiếng: “Cấu trúc đề thi THPT quốc gia bây giờ có phần đọc hiểu, đưa ca khúc thời thượng vào đề thi nằm trong phần đọc hiểu. Theo đó, ngữ liệu không nhất thiết phải là văn bản văn chương. Mà đa dạng trong các loại văn bản, cả văn bản nhật dụng. Thậm chí theo cách ra văn bản đọc hiểu phát triển năng lực học sinh của Pisa, thì một hóa đơn mua hàng, một biểu đồ cũng là văn bản đọc hiểu.

Thực tế giảng dạy trong các nhà trường, nhiều giáo viên chọn ngữ liệu đọc hiểu có tính trào lưu, hot, thời thượng để cho gần gũi với “gu” nghe- nhìn đọc của giới trẻ, kích thích tâm lí hứng thú của chúng”. Tuy vậy, nữ giáo viên cũng cho biết thêm: “Từ xưa đến nay, trong đề thi, phần đọc hiểu đều là tác phẩm văn học của nhà thơ có tên tuổi. Thí dụ, bài “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, hay thơ Nguyễn Du, thơ Vũ Quần Phương…”.

Cô giáo cũng chia sẻ nỗi khổ của giáo viên dạy văn hiện nay: “Các bạn bây giờ không yêu văn.Thí dụ bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, tha thiết thủ thỉ thế mà các bạn lại nói ngang phè phè. Hay bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, khi dạy tôi cho các bạn nghe ca khúc “Thuyền và biển” (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, Thơ: Xuân Quỳnh), các bạn lại đòi nghe đọc rap “Sóng”. Nhìn chung các bạn lười đọc văn bản. Văn hóa đọc sách văn đang báo động nặng.”.

“Lạc trôi” là bài không đáng nghe nhất

Ý kiến của phụ huynh có tên Hương Hương: “Cứ ra đề thi kiểu này thì càng đẩy học sinh vào lối sống không tích cực. Ví dụ bài “Lạc trôi” ca từ không ra sao. Theo tôi, đây là bài hát không đáng nghe nhất. Tại sao lại cho vào đề văn? Sao lại khuyến khích “lạc trôi giữa trời, lạc trôi giữa đời”, người trẻ cần phải sống tích cực, ngay cả khó khăn nhất cũng phải có niềm tin, khao khát sống, không thể buông xuôi lạc trôi giữa đời. Hay như bài “Con trai cưng”, sao lại cho vào đề thi văn? Phản giáo dục. “Con trai cưng của mẹ/Bạn bè gọi có mặt, riêng ba mẹ nói là nó không nghe/Con trai cưng của mẹ, chơi hết đời tuổi trẻ/Hơn hai mươi tuổi đầu nhưng khi ở nhà vẫn là em bé”. Đọc hiểu gì những bài “hít” vớ vẩn thế?”.

MỚI - NÓNG