Sáng 28/1 (23 tháng Chạp), lễ cúng ông Táo, người dân đem cá chép ra các con kênh trên địa bàn TPHCM thả với mong muốn cá chép hoá rồng đưa ông Táo về trời.
Tuy nhiên, khi những con cá chép vừa được thả xuống sông thì đã bị “đội quân” chích điện phục sẵn bên dưới để bắt. Thậm chí nhiều người đem cả xuồng máy, vợt, giỏ nhựa để bắt.
Ghi nhận tại chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh, TPHCM, từ sáng sớm đã có rất đông người dân mang theo cá chép thả xuống sông theo phong tục.
Không chỉ thả cá chép, nhiều người dân còn nhân dịp này phóng sinh nhiều loại sinh vật khác như: lươn, chim, các loại cá,… Trong đó, có nhiều người đã chi tiền triệu mua nhiều thùng cá lớn để phóng sinh xuống sông.
Tại khu vực này, có khoảng 5 người chầu trực vớt cá lại của người dân vừa thả, có người trang bị máy chích điện bắt lại nhiều con cá lớn ngay khi người dân vừa thả. Khi người dân đã thuê ghe để ra giữa lòng sông để thá cá thì vẫn có 4-5 ghe vây quanh để vớt cá lại.
Anh Nguyễn Quang Thái (ngụ quận Bình Thạnh): “Khi mà mình thả cá thì mình thấy nhẹ lòng, nhẹ cái tâm. Nhưng mà khi mình thấy người ta bắt trở lại thì mình không được vui.”
Bà Hồ Thị Loan (ngụ quận Thủ Đức): “ Cô đi thả cá là từ hồi nhỏ cho đến năm nay cô đã 68 tuổi. Cô cũng buồn lắm khi mà họ thả mà bị bắt lại.”
Theo phong tục cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, sau khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình thường mang cá chép ra sông, hồ thả. Đây được coi là khởi đầu thời điểm tết nguyên đán.