Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Sự thách thức của người có trách nhiệm

Dù đã cơ bản hoàn thành nhưng phương án hoạt động của dự án buýt nhanh vẫn chưa được xác định. Ảnh: Sỹ Lực.
Dù đã cơ bản hoàn thành nhưng phương án hoạt động của dự án buýt nhanh vẫn chưa được xác định. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Liên quan đến nguy cơ đổ vỡ dự án buýt nhanh nghìn tỷ tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ người chịu trách nhiệm, không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc. 

Cần làm rõ người chịu trách nhiệm

Để tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan đến dự án buýt nhanh của Hà Nội, ngày 28/6, PV Tiền Phong gọi điện cho ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội).

Sau khi PV giới thiệu và xin hẹn làm việc, ông Tú nói: “Anh chuyển công tác lâu rồi, BRT đ.. gì ”; rồi ông này đề nghị gặp người phụ trách dự án hiện nay (ông Vũ Hà - Tiền Phong đã gặp, trao đổi).

PV tiếp tục thuyết phục ông Tú đến làm việc, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến trách nhiệm qua các thời kỳ, hiệu quả dự án. Lúc này, ông Tú trả lời bằng những câu khó nghe. Ngoại trừ một số nội dung khiếm nhã, cần tiếp tục xác minh, chúng tôi xin đăng tải một phần cuộc trao đổi như sau:

Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?

Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?

Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?

Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.

Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ?

Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn.

Nghìn tỷ mồ hôi, cần xử lý trách nhiệm

Là đại biểu Quốc hội sinh sống trên địa bàn Thủ đô, đại biểu Bùi Thị An ủng hộ các dự án giao thông công cộng, trong đó có xe buýt nhanh. Tuy nhiên, đại biểu An cho rằng, để đánh giá hiệu quả của buýt nhanh cần xem loại hình này đóng vai trò như thế nào trong tổng thể quy hoạch giao thông Hà Nội. Thêm nữa nên xem các điều kiện hạ tầng cần thiết của dự án (hướng tuyến, làn đường, phương tiện...) và cuối cùng là xem xét về phương án tài chính.

Về việc dự án có nguy cơ không đạt như yêu cầu ban đầu; gần khánh thành mà chưa có phương án chạy xe, đại biểu An cho rằng, khi xây dựng phương án, mọi bài toán phải được đặt ra. Dự án xong rồi nhưng không khả thi, không đi vào cuộc sống cần làm rõ nguyên nhân và xử lý. Ai gây ra việc đó phải khắc phục hậu quả; đặc biệt là người trình và phê duyệt phải chịu trách nhiệm. Theo tài liệu Tiền Phong có được, người trực tiếp phê duyệt dự án là ông Đỗ Hoàng Ân - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

“Số tiền hàng nghìn tỷ đồng của dự án là công sức của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân; dù có vay nước ngoài, đời con cháu phải trả. Không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc. Bây giờ phải làm rõ nguyên nhân, xử lý đến cùng, giải quyết tận gốc. Có như vậy mới không ai dám đưa ra những dự án thiếu khả thi, tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng. Nước đã nghèo như thế này rồi mà cứ để như thế là không được”, đại biểu An gay gắt.

“Tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo UBND TP Hà Nội đang muốn làm việc quyết liệt, hiệu quả và họ sẽ vào cuộc. Còn nếu e ngại chính Hà Nội là chủ đầu tư, không xem xét nghiêm khắc thì các cơ quan cấp trên; các bộ ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ vào cuộc. Phải quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm để những dự án như thế này không tiếp tục sinh ra” - đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói.

Theo Luật Giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông khi dừng đỗ phải dừng bên phải theo chiều đi của mình. Việc buýt nhanh dừng đỗ đón khách cạnh dải phân cách giữa, bên trái chiều đi là trái luật. Ngoài ra, có nguồn tin cho hay, hạng mục thẻ thông minh của dự án buýt nhanh (quyết định sự thuận tiện, nhanh chóng cho hành khách) chưa chọn được nhà thầu; trong khi thời gian chạy thử vào quý III năm nay đã cận kề. Hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (cơ quan quản lý dự án buýt nhanh) đang trình kế hoạch tổ chức hội thảo rộng rãi để tìm giải pháp tháo gỡ cho dự án này.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
TPO - “Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý Chính phủ, các bộ phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm. Đến nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn thi hành...
Lực lượng Công an cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ.
Tài khoản báo Tiền Phong tiếp nhận thêm gần 500 triệu đồng ủng hộ khắc phục hậu quả bão YAGI từ bạn đọc
TPO - Báo Tiền Phong nhận được hơn 2,7 tỷ đồng tiền và hàng hoá ủng hộ cho những nạn nhân vùng bão lụt từ các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, hoa hậu/người đẹp và bạn đọc. Trong đó, tính từ chiều ngày 10/9 đến chiều ngày 11/9, các tài khoản ngân hàng của báo Tiền Phong tiếp tục nhận được hơn 488 triệu đồng tiền ủng hộ khắc phục hậu quả bão YAGI từ bạn đọc trên cả nước.