Công trình nghiên cứu nhưng viết thú vị
Về ý kiến cho rằng, câu chuyện của văn học thuộc địa giai đoạn những năm 30 của thế kỷ trước không khỏi “đã cũ” trong bối cảnh hiện tại, TS. Đoàn Ánh Dương (đồng tác giả cuốn sách) cho rằng: Thực tế không bao giờ có một đối tượng nghiên cứu cũ “đã xong xuôi”, mọi vấn đề và câu chuyện đều luôn mới nếu đặt trong cách diễn giải khác.
Cuốn sách đoạt giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn VN. |
Một trong những độc giả đầu tiên của cuốn sách, TS. Phạm Phương Chi đánh giá: “Một công trình nghiên cứu nhưng viết thú vị kể cả lập luận, giọng điệu và sự kiện. Khi đọc, tôi cũng nhiều lần bật cười một mình, các tác giả có sự hài hước, duyên dáng, vốn rất hiếm trong các công trình khoa học, học thuật”. Chị Chi còn khẳng định: Đây là cuốn sách dành cho mọi người.
Hầu hết những người từng đọc qua “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đều bày tỏ thích thú với những câu chuyện hậu trường văn chương được kể lại trong sách. Ở đấy, chi chít những “vụ áp phe” công kích giữa các báo, các nhân vật nổi tiếng như một sự gây chú ý cho độc giả hay như chiến lược kinh doanh văn học nghệ thuật.
Ví như: “trong số Mùa xuân báo Phong Hóa vu cho Nguyễn Công Hoan đã “sưu tầm” để viết “Lá ngọc cành vàng”, giống “Nửa chừng xuân” và “Cô giáo Minh” giống hệt “Đoạn tuyệt”, nói một cách khác tức là Nguyễn Công Hoan ăn cắp văn của Nhất Linh và Khái Hưng. Nếu Phong Hóa nói đúng, thì là một cái nhục cho nhà văn Nguyễn Công Hoan. Mà trái lại, ông Hoan quả không ăn cắp văn, thì với một việc này cũng có thể tan tành hết cả công gây dựng của TLVĐ”, trích bài của tác giả Lê Cường trên Hà Nội báo (1936). Đáp lời, báo Phong Hóa thẳng thắn: “Chúng tôi không trả lời Hà Nội báo, nghĩa là ông Lê Cường, chủ hiệu thuốc lậu Hồng Khê, vì ông Lê Cường có ý ở giữa nói khích hai bên, mong đục nước để béo cò. Hành vi ấy trẻ con lắm, dùng để quảng cáo thuốc lậu tốt hơn là dùng quảng cáo văn”.
Theo TS. Nguyễn Phương Chi, những câu chuyện kiểu này không cần có hồi kết ai đúng ai sai nhưng tạo ấn tượng về một đời sống trí thức đầy sôi động, đầy hỉ nộ ái ố những năm trước cách mạng. “Việc bao gồm những câu chuyện văn chương trong một công trình học thuật khiến cho cuốn sách có giá trị như một sự giải thiêng với tôi - nếu đặt trong bối cảnh những công trình nghiên cứu về đời sống trí thức giai đoạn thuộc địa từ góc nhìn hậu thuộc địa mà ở đó hầu hết trí thức đều được miêu tả như những nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị hay là những nhà lập quốc rất nghiêm túc”, chị Chi chia sẻ.
Tự chủ văn chương nhân trường hợp Tự Lực Văn Đoàn
Cuối tháng 12, trước khi giải thưởng Hội Nhà văn chính thức công bố, một tọa đàm khoa học về cuốn sách đã được tổ chức “xôm tụ” ở Đại học KHXH&NV Hà Nội. Nói là xôm vì cả hội trường liên tục phải dồn chỗ ngồi, sinh viên đến rất đông, phá vỡ định kiến “chuyện từ thời 1930-1945 ai còn hứng thú nghe”.
PGS, TS Phùng Ngọc Kiên, chủ biên cuốn sách cho biết: “Đây là một phần kết quả nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia tài trợ”. Đường đi của những công trình nghiên cứu “cao siêu” kiểu này trước nay đa phần đều chỉ lưu hành trong nhóm nhỏ, rất ít phổ biến cho công chúng, đừng nói đến in sách và bán đại trà. Nên có thể coi “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” (NXB Hội nhà văn) là một ngoại lệ.
Cuốn sách bắt đầu bằng luận điểm của TS. Phùng Ngọc Kiên về “tính nước đôi” trong sự khai phá văn minh của người Pháp ở Đông Dương. Theo chứng minh của anh Kiên: “Công cuộc khai hóa thuộc địa của Đế chế Pháp theo sau các cuộc chiếm đóng và bình định đã làm thay đổi sâu sắc xứ Đông Dương”. Và rằng: “Người Pháp vào Việt Nam đã mang đến báo chí như một không gian công cộng mới mẻ”. Để từ đó “thế giới có vẻ đã được thu nhỏ lại hơn, và dễ bề hình dung hơn với người trí thức Việt Nam”.
Mạch khảo cứu cứ thế được dẫn dắt khéo léo với lối viết hoạt, dẫn chứng chi tiết, pha chút hài hước khiến người đọc dễ dàng bị cuốn theo. Từ đây, bức tranh về những hoạt động báo chí, văn chương chữ quốc ngữ thời kỳ đầu ở Việt Nam được phục dựng hết sức cụ thể.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn đánh giá: Đây là cuốn sách đầu tiên trong giới nghiên cứu Việt Nam giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề then chốt của văn học Việt Nam thuộc địa: chính là tính tự chủ.
Nói rõ hơn về tính tự chủ trong văn chương, một số diễn giả cho rằng: tự chủ có thể hiểu là người viết sống được bằng ngòi bút mà không dựa vào nhà tài trợ. Trước thế kỷ 17, trên thế giới, đa số nhà văn vẫn chỉ sống bằng tài trợ hoặc tiền trợ cấp của nhà vua.
Hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương trong buổi toạ đàm về cuốn sách. |
PGS, TS. Nguyễn Bá Thành chia sẻ, theo nghiên cứu lịch sử văn học nhiều thời kỳ thì văn học tự chủ luôn có đời sống lâu hơn, khỏe hơn văn học không tự chủ (phụ thuộc, ít giá trị tự thân).
“Điểm nhấn của cuốn sách là phân tích quá trình tự chủ về kinh tế và tự chủ về nghệ thuật thông qua ví dụ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). Nỗ lực rất lớn của TLVĐ là xây dựng quá trình tự chủ kinh tế thông qua nhiều hoạt động như: báo chí, xuất bản, in ấn, quảng cáo... để quyết định việc họ sẽ tồn tại với tư cách một nhóm phái văn chương ra sao. Giữa tự chủ về kinh tế và tự chủ về nghệ thuật cái gì quan trọng hơn? Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ tự chủ nghệ thuật là tiên quyết, trước khi tạo lực về kinh tế.
Ví dụ qua khảo sát lượng sách bán chạy của TLVĐ, rõ ràng không phải chỉ vì họ làm quảng cáo tốt, cũng không phải vì chiến lực in ấn khôn khéo, hay nhờ cả vào lượng độc giả đã được tập dượt về văn chương mới, mà vì tất cả sản phẩm văn chương đó đủ tạo thành một hệ thẩm mỹ mới hấp dẫn người ta mua sách. Điều này nói lên rằng: trong văn chương nếu muốn tích lũy tư bản thì phải có sự khác biệt về nghệ thuật, chính sự khác biệt này khiến cho công chúng nhận ra người nghệ sĩ và tác phẩm của họ”, ông Mai Anh Tuấn nói thêm.