Không được học bài, con khóc
Chị Phạm Thị Thanh Hiên quê ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội) cho biết, nhiều tháng nay gia đình không có một đồng thu nhập. Vợ bán rau, chồng chạy xe ôm công nghệ nhưng dịch bệnh đã khiến cả gia đình điêu đứng, đứt bữa. Căn phòng trọ nằm sâu trong ngõ chừng chục mét vuông có giá thuê mấy trăm nghìn cũng không có tiền đóng.
Cũng may, chủ nhà hiểu hoàn cảnh nên không thu tiền. Hằng ngày, họ được phường hỗ trợ suất ăn. Chỉ thương 2 con nhỏ, một con năm nay học lớp 5, một con học lớp 2 Trường tiểu học Thủ lệ, quận Ba Đình không có máy tính, điện thoại để học bài như các bạn.
Giáo viên Trường tiểu học Thủ Lệ tới nhà trọ tặng máy tính cho học sinh. |
Ngày nhà trường cử giáo viên mang máy tính đến tặng cho 2 con để có phương tiện học tập, chị Hiên cứ loay hoay mãi vì không có lấy 1 chỗ kê máy tính, gia đình cũng không có mạng. “Cô giáo chủ nhiệm của con đành về lấy một bộ bàn ghế đến tặng cho con kê máy và xin kết nối mạng của chủ nhà. Nhận được máy tính, 2 con vui mừng cuống quýt suốt cả đêm không ngủ. Nó nói, vậy là từ nay con có máy để học rồi. Anh học buổi sáng, em học buổi chiều không lo bị bỏ sót bài nữa”, chị Hiên tâm sự.
Cũng theo chị Hiên, suốt nhiều tháng học trực tuyến năm ngoái và 2 tuần đầu năm học này, con chị không có thiết bị nào để học tập. Mẹ chỉ có điện thoại “cục gạch”, cứ đến giờ học, đứa lớn, đứa bé lại thấp thỏm đi nhờ điện thoại của bác. Tuy nhiên, cũng có lúc bác bận hay có lúc mượn được điện thoại thì máy sập nguồn, mạng đơ không vào được. Những lúc như thế, con buồn bực lắm. Đứa lớn học lớp 5 có hôm còn úp mặt khóc.
Thương con lắm nhưng gia cảnh khó khăn không có tiền để mua cho con máy tính. Bố chạy xe ôm, mẹ bán rau ở chợ Thành Công, nhiều tháng nay cả 2 lao động chính đều ở nhà, không có lấy một đồng thu nhập. Năm ngoái, đứa con lớn lại bị bệnh viêm màng não nằm viện cả tháng trời, được đồng nào đã lo hết cho con. Thấy con không được học, tôi định vay mượn mua cho con cái máy nhưng con hiểu hoàn cảnh mẹ nên con bảo mẹ đừng mua. Nay có máy tính nhưng cả bố và mẹ đều không biết sử dụng để hỗ trợ con. “Tôi cả đời còn chưa sờ đến điện thoại có màn hình lớn nên có trục trặc gì con phải tự xử lý hoặc đi nhờ người khác”, chị Hiên nói.
Chị Hiên năm nay 36 tuổi, quê ở huyện Ứng Hoà. Chị nói, phải ra trung làm thuê để kiếm thêm đồng thu nhập nhưng để con lại không có ai trông nom đành mang cả 2 đứa theo nhưng vất vả tứ bề. Ngày thường, bố mẹ cũng bận tối mắt để kiếm cơm, hai anh em ở nhà tự lo cho nhau.
Có máy tính mới, em vui lắm
2 tuần học trực tuyến, Đỗ Thục Quyên, học lớp 1D, Trường tiểu học Thủ Lệ không có máy tính để học. Em chỉ có chiếc điện thoại cũ của mẹ nhưng nhiều lần đang học thì hết pin. Bố vội vàng cắm sạc cho con để kịp vào giờ học tiếp cùng các bạn nhưng chiếc máy nóng bừng, sợ nổ lại phải rút ra.
Những giờ học đầu đời của Quyên cứ đứt quãng liên tục như thế. Con thích được đến trường, thích các con số. Riêng môn Tiếng Việt con nói khó, chưa biết viết theo hướng dẫn của cô. Mẹ không có tiền mua sắm đủ thiết bị cho con nhưng con không đòi hỏi.
Chị Thảo Lê cho biết, nhà có tới 5 người con, trong đó có 4 con nhỏ. Thục Quyên năm nay lớp 1, sau em còn có 3 em nhỏ nheo nhóc. Mẹ bận chăm sóc các em không có thời gian hỗ trợ Quyên học bài. Chị vốn làm nghề bốc vác, chồng cắt tóc nhưng nhiều tháng nay do COVID-19, 2 vợ chồng đều thất nghiệp, cuộc sống khó khăn. “Giờ đây, được tặng máy tính mới con cùng cả nhà vui lắm vì từ nay con có thể học đầy đủ với bạn bè, cô giáo”, chị Lê nói.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng chia sẻ, ngay sau lễ khai giảng năm học mới, nhà trường đã đến từng nhà, trao tặng 18 máy tính cho học sinhcó thiết bị học tập. Hiện nay, trường tiếp tục rà soát hoàn cảnh học sinh khó khăn, thiếu thốn thiết bị để mua máy hỗ trợ. Có học sinh rất khó khăn như: bố mất sớm, con cũng không ở với mẹ mà hai chị em với ở bà từ nhỏ. Bà chỉ có một máy điện thoại cũ, trước đó chị em thay nhau học bài.
Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) tặng máy tính cho học sinh. |
Đó chỉ là một trong những câu chuyện học sinh khó khăn, thiếu thốn thiết bị cần được các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ.
Hà Nội quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học trực tuyến nhưng toàn TP có gần 10.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Các nhà trường, Phòng GD&ĐT đều tổ chức quyên góp để hỗ trợ học sinh. Riêng tại quận Ba Đình đã quyên góp cá nhân, tổ chức được hơn 1 tỷ đồng, tặng máy tính đợt 1 cho gần 200 học sinh.
Từ đầu năm học đến nay, Sở GD&ĐT Hà Nội kêu gọi các đơn vị ủng hộ hơn 6.000 thiết bị hỗ trợ các em có cơ hội học tập.
Tại TP HCM, theo rà soát có tới gần 70.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Sở GD&ĐT TP HCM đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ như quyên góp tổ chức, cá nhân góp máy tính, ipad đã qua sử dụng; ưu đãi trả góp mua thiết bị mới; gói cước giá rẻ…
Các địa phương khác như: Nghệ An (chỉ 60% học sinh miền núi có thiết bị), Cà Mau, Hậu Giang (60.000 học sinh thiếu thiết bị)…đều kêu gọi nhiều nguồn để hỗ trợ thiết bị cho học sinh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức để học sinh nghèo, chịu ảnh hưởng COVID-19 có thiết bị học tập. Ngay tại lễ phát động, đã quyên góp được hơn 1 triệu thiết bị. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông bàn bạc lộ trình để sớm đưa máy tính tới tay học sinh.