Buồn, vui nghề thầy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng một câu hỏi cho nhiều thầy, cô giáo ở nhiều vùng miền khác nhau trên dải đất hình chữ S, “Anh/chị có nuối tiếc khi theo nghề giáo viên?”, tôi nhận được cùng một đáp án: “Không nuối tiếc”.

Giáo viên Lê Thị Thiện, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đông Triều, Quảng Ninh chia sẻ, nếu bỏ qua chuyện cơm áo đời thường thì nghề giáo viên vẫn là nghề tuyệt vời nhất”. Một giảng viên tiết lộ: Chính nghề nghiệp đã giúp chị vượt qua khoảng thời gian tối tăm trong cuộc đời mình. Nghề giáo viên có nụ cười, có nước mắt. Nước mắt rơi khi học trò lạc lối, nước mắt cũng rơi khi học trò thành công…

“Dỗ” học sinh tới trường

Buồn, vui nghề thầy ảnh 1

Học trò ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Thầy giáo Lãnh Văn Truyền, điểm trường Lũng Mật, Trường tiểu học Xuân Trường, Bảo Lạc, Cao Bằng giới thiệu: “Tôi là giáo viên bộ môn, dạy các môn tự nhiên, các môn khoa học, xã hội cho toàn cấp I (từ lớp 1 đến lớp 5). Một lớp học nhiều nhất cũng chỉ có 12 học trò, là con em đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mông, Nùng…”. Ở nơi heo hút này, học sinh chịu đi học đã là may mắn: “Ở đây, học sinh nghỉ học nhiều, thầy cô giáo phải đến nhà vận động các em trở lại lớp học. Chỉ cần 2 buổi học trò không đến trường, giáo viên chủ nhiệm đã lo. Mấy năm trước, tôi làm chủ nhiệm lớp vẫn đi vận động các em tới trường và thường thành công.

Các em nghỉ học cũng có lắm lý do. Có khi do lười học, đi đến nửa đường tới trường lại tạt ngang đi chơi, tối trở về nhà, bố mẹ không biết gì. Cũng có những trường hợp nhà neo đơn, bố mẹ muốn con cái nghỉ học để làm việc nhà hoặc kiếm sống. Tôi đến nhà thuyết phục, giảng giải cho phụ huynh và các em về tầm quan trọng của việc học chữ. Chẳng hạn tôi nói, nếu không biết chữ, Nhà nước cho bao đạm bón ngô, hướng dẫn bón khoảng 2, 3 thìa, mình không biết đọc, lại đổ cả bát xuống hốc ngô thì cây ngô thối hết. Những ví dụ thiết thực ấy giúp phụ huynh và học sinh nghe ra”, thầy giáo Lãnh Văn Truyền chia sẻ.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa học sinh mới ngại tới trường. Ngay tại thành phố vẫn có những học trò đột ngột bỏ học, khiến giáo viên sốt ruột đi tìm. Cây bút tản văn quen thuộc Triệu Vẽ chính là một giáo viên dạy văn, chị đang chủ nhiệm lớp 12 A5, Trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM.

Triệu Vẽ cho biết: “Hồi đầu năm có một cậu học sinh bỗng nhiên nghỉ học liên tục, nghỉ suốt cả tuần. Tôi gọi điện cho cậu không được, gọi ba mẹ cậu cũng không được. Cuối cùng tôi cũng tìm được địa chỉ nhà cậu từ phòng học vụ. Tôi gửi thư về nhà cậu. Cậu ấy liên lạc lại với tôi, dùng lời lẽ nặng nề, trách móc: Vì cô không liên lạc được với con mà cô cho người đến nhà con. Từ đây về sau con mất gia đình, con không còn cha, không còn mẹ, cô vừa lòng chưa? Tôi đọc mấy tin nhắn học trò gửi mà tủi thân lắm, nước mắt rơi.

Sau đó bạn ấy còn tiếp tục gửi tin nhắn, lời lẽ vẫn nặng nề, làm tôi bủn rủn tay chân mỗi khi mở ra đọc. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tìm mọi cách liên lạc với gia đình học trò, gặp được mẹ của bạn ấy, rồi gặp bạn ấy, nói chuyện nhiều lắm. Bạn đi học trở lại, ban đầu không dám nhìn cô giáo, ngồi thu trong một góc. Tôi thấy thương, không dám đả động vì sợ bạn ngại. Tôi nhờ mấy đứa trong lớp, nhất là đám con gái cố tình níu kéo bạn chơi chung, cùng đi ăn vặt.

Dịp 20/11 này bạn ấy ôm bó hoa tới tặng tôi, tôi không biết tôi vui hay buồn. Chắc là vui ha?”. Cô giáo dạy văn Triệu Vẽ thừa nhận chị hay rơi nước mắt vì trò, có lúc ngay trong giờ giảng: “Tôi ráng nén nước mắt, ra ngoài khóc mươi phút xong lại vô lớp học”. Triệu Vẽ vốn làm báo hình chuyển sang dạy học. “Tại sao chị không tập trung viết văn để trở thành cây bút nổi tiếng?”, tôi hỏi. Triệu Vẽ đáp: “Tôi đã quen với trường học, với học trò, lại cũng không có nhu cầu nổi tiếng hay kiếm tiền, nên không đổi nghề”.

Trước thềm 20/11, chị vừa giải quyết một chuyện lớn: Phụ huynh nhắn tin báo có hai nhóm học trò, trong đó có con trai của họ hẹn nhau đánh lộn. “Tụi nó dọa chém nhau”, phụ huynh tiết lộ. Lập tức Triệu Vẽ liên lạc với học trò ngay trong đêm, giải tán cuộc hẹn nguy hiểm: “Các con tri ân cô và những người dạy dỗ mong tụi con bình an, trưởng thành như thế sao? Cô thương yêu con như vậy. Hành xử người lớn nào. Mai gặp con”. Cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà có khi còn là người phán xử, người hòa giải khi cần. Vì thế, học trò nghịch ngợm, thích đánh nhau thương cô, nhận được tin nhắn của cô bèn bỏ ý định xấu. Cậu ấy nói với mẹ: “Con sợ cô rơi nước mắt”.

Nghề lấy vui làm trọng

Buồn, vui nghề thầy ảnh 2

Cô giáo Triệu Vẽ

Khoảng 30 năm anh Lãnh Văn Truyền gắn bó với nghề giáo ở rẻo cao. Món quà anh nhận được từ học trò trong ngày nhà giáo Việt Nam có khi chỉ là vài bông hoa rừng: “Quà tự nhiên thôi, các em không mua hoa mà đi vào rừng hái hoa dại tặng thầy. Thế là thầy vui rồi, vì các em đã biết tri ân, biết ứng xử”, anh nói. Các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa gần như không biết đến quà bằng hiện vật: “Ở đây nguồn thu không có chỉ có nguồn chi thôi. Thầy giáo, cô giáo còn bỏ tiền túi mua kẹo dỗ học trò đến lớp. Học sinh không có bút thầy cô mua bút cho, vở không đủ thì thầy cô cũng mua cho”, anh Lãnh Văn Truyền vui vẻ kể.

Cô giáo Triệu Vẽ hay được học trò tặng quà. Món quà chị nhớ nhất đến từ một nữ sinh: “Một lần bạn ấy đi du lịch thấy có dịch vụ in ảnh lên đá. Bạn đã đưa ảnh của tôi để họa sỹ truyền lên một miếng đá nhỏ và mang về tặng tôi. Bạn nói: Con tặng hoa hay quà chỉ một thời gian nhỏ cô lại bỏ mất, bây giờ con để hình cô lên đá thì cô sẽ giữ được hoài”. Các thầy cô giáo ở thành phố cũng không cân đo giá trị vật chất của món quà. Họ cho rằng, đây là một dịp để trò học cách tri ân, chứ không phải một dịp để thầy cô “cải thiện”.

Bàn về quà cáp dịp 20/11, cô giáo dạy văn Lê Thị Thiện, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đông Triều, Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh, tôi cũng đến tri ân các thầy cô giáo đã dìu dắt con mình. Khi đến tri ân thì hoa quà chúc mừng vô tư, không ai lại nói: Trăm sự nhờ thầy cô. Đó là sự sòng phẳng mua bán rồi. Mất đi ý nghĩa, cái hay của lễ tri ân”. Cô giáo Lê Thị Thiện thừa nhận cũng có khi chạnh lòng trong ngày tôn vinh nghề nghiệp: “Học sinh giờ cũng có bạn thực dụng và thiếu tôn trọng thầy cô. Có lớp học sinh nói trước mặt giáo viên chủ nhiệm: Lớp mình đi cô bộ môn 300 ngàn đồng á? Nhiều thế? 100 ngàn thôi. Không thì thầy cô chả mấy mà giàu”.

Nhưng nếu để ý từng lời nói chưa hay, chưa đẹp thì sẽ không thể trụ lại với nghề giáo viên. Chị Lê Thị Thiện suy nghĩ: “Nghề này nên lấy vui làm trọng”. Hơn 20 năm trong nghề, chị lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về học trò: “Tôi có một học trò cứ một buổi đi học, một buổi lại đi làm thợ xây. Hôm chia tay học sinh lớp 12, tôi mua một chiếc áo kẻ tặng cậu ấy. Lúc liên hoan, tôi đưa quà cho cậu, làm cậu ngớ người. Bởi cậu không tin một cô giáo dạy văn, không phải chủ nhiệm lớp mình, lại biết được hoàn cảnh của mình. Cậu hỏi lại tôi: “Cô tặng em sao?”. Tôi thầm lặng quan tâm học trò, không đòi hỏi được đền đáp. Chỉ mong sau này các em bay cao, bay xa vẫn nhắc đến tôi một cách trân quý đã là hạnh phúc rồi”.

Cô giáo Lê Thị Thiện đặc biệt quan tâm đến học trò nghèo. Chị từng tặng học trò tiền mua thuốc, khi biết hoàn cảnh gia đình của học trò. Một chuyện mới xảy ra được cô Thiện kể lại: “Cách đây khoảng 3 tuần, tôi nghe một đồng nghiệp kể, ở lớp chị chủ nhiệm có một học sinh xin nghỉ học để chăm sóc mẹ vừa bị tai nạn đang nằm bệnh viện. Hôm ấy, tôi dạy xong thì ra bắt xe bus trở về. Cùng lên xe với tôi là hai chị em gái, mặc đồng phục của trường. Hai em xuống khu cổng viện. Tôi liên hệ với câu chuyện của đồng nghiệp đã kể nên tiến đến hỏi thăm hai em. Hai em nhận ra tôi và nói, các em đi chăm mẹ ở bệnh viện, mẹ bị tai nạn phải phẫu thuật vùng não. Lúc đó, trong ví tôi chỉ còn 250 ngàn đồng. Chia tay các em tôi bảo, ở tình huống này cô không khách sáo gì cả, cô có chút quà động viên mẹ để mẹ mau bình phục”. Có những khi hết tiền, có những khi trong túi chỉ còn vài trăm ngàn đồng, người mẹ đơn thân Lê Thị Thiện chưa bao giờ có ý định bỏ nghề giáo viên để tìm công việc có thu nhập cao hơn. Bí quyết của chị: “Tôi trọng nghề nên luôn gạt đi những vất vả đời thường để bước đi”.

Ngày nhà giáo ở Trung Quốc

Buồn, vui nghề thầy ảnh 3

Giảng viên Mai Quyên (áo dài) trong ngày nhà giáo ở Trung Quốc

Chị Mai Quyên, Giảng viên khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc cho biết, ở Trung Quốc cũng có ngày nhà giáo (10/9): “Vào ngày này, nhà trường thường tổ chức một đêm liên hoan văn nghệ để kỷ niệm. Trường khuyến khích thi đua học tập nhưng không nặng bề nổi như ở ta. Học sinh không phải phấn đấu điểm cao. Họ có thể tìm một chủ đề hứng thú để đi sâu. Thí dụ, có thể tự viết một bài văn, kể một câu chuyện, không nhất thiết phải lấy trọng tâm là thầy cô, mái trường. Bên khoa Tiếng Việt của tôi thì sinh viên dùng tiếng Việt để viết. Đó là một cách khuyến khích phong trào học tập trong ngày nhà giáo. Còn quà tặng cho giáo viên thì không có. Những năm chưa dịch bệnh, tôi lên lớp, các bạn chuẩn bị một bài hát. Khi tôi vào lớp các bạn hát vui vẻ, sau đó lớp trưởng đứng lên chúc mừng cô. Không có hoa như bên ta. Những ngày khác cũng không có hoa hay quà. Mấy năm trước, chẳng hiểu thế nào sinh viên biết sinh nhật tôi. Sau giờ học các bạn bất ngờ mang đến cái bánh trung thu rất to, bằng nửa cái bàn giáo viên. Chúng tôi cùng nhau hát hò, thổi nến, ăn bánh. Tình cảm chân thành, tự nhiên. Trong ngày nhà giáo, nhà trường cũng chỉ gửi lời chúc mừng giáo viên, không có thưởng. Mỗi học kỳ nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sẽ nhận được phần thưởng là một khoản tiền”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.