Buôn Lách Ló có tiền tỷ vẫn lo

Buôn Lách Ló có tiền tỷ vẫn lo
TP - Trung ương đầu tư 53,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở một buôn chỉ có 40 hộ dân, nhưng cán bộ địa phương thêm lo lắng.
Lớp 2 ở Lách Ló
Lớp 2 ở Lách Ló.

Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án định canh, định cư đồng bào dân tộc M’ Nông tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lăk), tổng vốn đầu tư 53,7 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, để mở một con đường, kéo điện, xây trường, công trình cấp nước sinh hoạt và thành lập khu dân cư tập trung. Tháng 8-2012 dự án khởi công, UBND huyện Lăk làm chủ đầu tư.

Dự án sẽ giúp Lách Ló thông thương với bên ngoài dù đồng bào ở đây vẫn quen lối canh tác lạc hậu, gieo hạt để đó chờ đến vụ thu hoạch.

Trong khi đó, một số đối tượng đã đến hỏi mua đất, chuyển nhượng đất trái phép. “Chỉ sợ người dân bấy lâu nay sống trong cảnh nghèo khổ, nay có người đến hỏi mua đất với giá cao mà bán đi rồi không còn đất thì làm sao mà ổn định được”, một cán bộ xã Nam Ka lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Nam Ka, nhận định: “Nằm giữa rừng đặc dụng nên khi quy hoạch nơi đây thành khu dân cư với đầy đủ điều kiện sinh sống lý tưởng, sẽ không hiếm kẻ lợi dụng cơ hội để ăn rừng.

Từ khi dự án triển khai, chúng tôi đã phải lập một trạm quản lý bảo vệ rừng ngay tại buôn để ngăn chặn những đối tượng lạ đến gạ gẫm đồng bào bán đất.

Khi con đường được mở thông qua vùng lõi rừng đặc dụng, việc quản lý bảo vệ rừng càng gặp nhiều khó khăn”.

Ông Trần Văn Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Lăk, phân trần: “Lập dự án ngay trong vùng lõi rừng đặc dụng là việc bất đắc dĩ do đồng bào không chịu di dời dù UBND huyện đã đưa nhiều đoàn vào vận động”.

Biệt lập giữa núi rừng

Trong căn nhà dài mới dựng hoành tráng nhất buôn, Buôn trưởng Y Win H’ Druế cho biết: Lách Ló chỉ có 40 hộ dân với 172 khẩu, trong đó 32 hộ nghèo, sống chủ yếu nhờ cây lương thực ngắn ngày nhưng không chủ động được nguồn nước nên năng suất bấp bênh.

Rừng đặc dụng Nam Ka được thành lập năm 1991 với tổng diện tích 20.768 ha, nằm ở 2 huyện Lăk Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk), có nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, cà te, giáng hương…và là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như bò rừng, hổ, gấu...

“Không đói sao được, bà con ở đây muốn đi ra ngoài mua bán thứ gì cũng phải đi bộ mất cả ngày. Giá thứ gì mua ở đây cũng đắt gấp 3- 4 lần, còn nông sản bán ra lại chỉ rẻ bằng nửa giá ngoài xã. Con cá hấp bằng 3 ngón tay cũng mất 10 ngàn”, ông nói. Đường vào buôn chỉ có một lối mòn xuyên rừng, vừa đủ lọt người đi.

Anh Y Xăng, người dân trong buôn, nói vợ chồng anh có 6 con đang độ tuổi ăn học, tất cả trông vào 2 sào lúa nước và mấy sào rẫy, nên làm quần quật cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Những tháng còn lại phải lên rừng lấy măng về đổi gạo.

Hầu hết những căn nhà ở Lách Ló đều tạm bợ, xập xệ. Nhà của Y Niêm Buôn Jrang cỡ 20 m2, xung quanh được che chắn bởi những tấm phên, tấm bạt đã bị gió đánh rách tả tơi.

Trong nhà trống trải chẳng có gì đáng giá ngoài vài chiếc nồi và một tấm phên để 4 người chen chúc ngủ.

Gia đình Y Niêm là hộ đói của buôn, có 1,5 sào lúa làm được một vụ, 5 sào rẫy trồng bắp mà thường xuyên gặp hạn nên không năm nào đủ ăn.

Buôn Lách Ló có 2 phòng học cho 12 học sinh lớp 1 và 6 em lớp 2. Thầy giáo Phan Đắc Vỵ (Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng) quản cả hai lớp. Muốn học lên lớp 3, phải ra trung tâm xã ở trọ.

“Ra ngoài đó, chúng phải tự lo cơm nước, cha mẹ thì lo kiếm sống, hằng tháng ra ngoài tiếp tế rồi quay về, nhiều đứa không chịu được đành phải bỏ học giữa chừng”, Buôn trưởng Y Win xót xa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG