Buồn đến bao giờ?

Buồn đến bao giờ?
TP - Tôi không trách Nguyễn Ngọc Tư vì truyện chị buồn. Tôi trách chị vì truyện chị… không biết cách vui.

> Nguyễn Ngọc Tư: Đi ngược dòng sông

Tôi gọi Sông là tiểu thuyết buôn chuyện. Buôn, chứ chẳng phải kể. Tiểu thuyết này như nhiều truyện ngắn gộp lại với nhau. Qua mỗi khúc sông là xong một câu chuyện. Mỗi địa danh gắn với một vài khoảnh khắc bàng hoàng.

Những gì nhóm của Ân - nhân vật chính - góp nhặt trong chuyến đi dọc sông Di có chung một chủ đề: Những mảnh đời trôi dạt, chưa đủ đậm nét để gọi là những số phận.

Người ta tồn tại mà luôn đợi một ngày bỗng dưng chìm nghỉm đáy sông vì một vụ sạt lở nào đó. Phấp phỏm pha chút thờ ơ bất cần. Có phần hả hê thỏa mãn vì những cái chết thảm khốc chính mắt mình chứng kiến. Của hàng xóm, của cả họ hàng, của cả chồng. Nói chung là đã chai lì.

Tồn tại kiểu như vậy, người ta còn nghĩ đến cống hiến một cái gì đó? Hay riêng tư hơn, yêu thực sự một ai đó?

Cao, anh chàng người lùn, và cả đống đàn ông ở Yên Hoa, mòn mỏi đam mê cô gái điếm tên Huyền, người là của tất-cả-mọi-người nhưng lại không-của-riêng-ai.

Huyền chết trôi sau một vụ sạt lở. Đám đàn ông nhanh chóng tìm nguồn “an ủi” ở chốn khác. Chỉ Cao là vẫn đau đớn, tôn thờ đến cả cái lỗ rún trên xác Huyền. Đó là tình yêu? Đừng đùa.

Những chàng trai ở Ể Uu giẫm đạp lên nhau để ngấu nghiến đôi môi của một bức tượng. Tượng Son, cô gái sứt môi lỡ thì đã tự tử bên miệng vực, khi mang thai đứa con mà dân làng nghi là của cha cô.

“Cứ bải hoải vì những nụ hôn với đá, mà không thiết tha gì với người”. Những chàng trai, họ say men gì? Say thứ rượu sông Di uống ba ly là bỏ xứ? Hay say tình? Đừng đùa. Tình nào sống nổi ở đây?

Những mảnh đời vứt đi. Vì họ tồn tại trên một dòng sông lúc nào cũng chực lôi họ đi?

Không.

Tôi có cảm tưởng là những người như thế sống ở đâu thì cũng thế thôi. “Bốc” họ lên khỏi bờ sông Di (liêu xiêu và lênh đênh), đặt họ giữa Sài Gòn (bê tông cốt thép) thì thế nào nhỉ? Tai họa.

Đổ lỗi cho hoàn cảnh, trò đó cũ rồi.

Nhà báo Hàm Châu nói, đọc cuốn sách này ông không chia sẻ được tâm hồn với một nhân vật nào. Chắc vì ông sống, và chúng ta (có lẽ là) phần lớn đang sống, còn các nhân vật trong Sông thì không. Chẳng ai sống cả. Ai cũng vật vờ như cái xác trôi sông.

Ân (giới tính nam) rời khỏi Sài Gòn, bỏ việc bỏ mẹ bỏ lại cả người yêu (cũng giới tính nam), đi lang thang dọc dòng sông Di, nghĩa lý gì? Trước Ân mấy năm còn có Ánh (giới tính nữ) cũng có chuyến đi y hệt. Không bao giờ trở về. Cả hai giống nhau. Cùng là nhà báo giỏi. Cùng rời bỏ một-nơi-nào-đó để đi đến không-nơi-nào-cả. Nghĩa lý gì?

Có lẽ người ta nghĩ thế là lãng mạn. Hoặc điên. Mà dù sao thì lãng mạn và điên cũng luôn dính vào nhau.

Sống, người ta không cần lúc-nào-cũng-tỉnh. Nhưng lúc-nào-cũng-không-tỉnh thì cũng có phải là sống đâu?

Trong Sông, Nguyễn Ngọc Tư có lẽ là tự vấn mình, mượn lời nhân vật Xu hỏi Ân: “Có bao giờ họ hỏi ông sao lại để họ sống khổ sở đến vậy không, những nhân vật của ông ấy?”. Và suy nghĩ của Ân sau đó: “Hình dung một ngày nào đó có người đến và hỏi sao mi không để cuộc đời ta suôn sẻ mà phải bị dập vùi đến vậy? Chắc ông Nguyễn Du phải trốn gầm giường khi nhác thấy bóng Thúy Kiều ngoài ngõ”.

Nhà báo Hàm Châu nói tiếp: “Những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư có nét buồn nhưng vẫn tươi sáng. Càng về sau càng ảm đạm. Khói trời lộng lẫy, rồi đến Sông, ảm đạm quá. Nếu không tươi sáng, ta không thấy được cái đẹp trong lý tưởng. (Tất nhiên tôi không nói đến lý tưởng cách mạng - ông chú thích). Đẹp hình thức, đẹp nội dung, đẹp cả tư tưởng nữa”.

Thiếu tươi sáng, Sông có đẹp không?

“Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo”, lời giới thiệu nhà xuất bản viết ra ngoài bìa sách là của biên tập viên Trần Ngọc Sinh, mà chính anh cũng không giải thích được, khi được hỏi. Anh Sinh cười bảo: “Để Tư bán được nhiều sách hơn thôi”.

Tôi thấy “đáo để, trần tục và hư ảo” thì có. Nhưng đẹp… Cả một cụm từ, đọc lên nghe bơ vơ không kém lời giới thiệu “giày vò và quyến rũ” mà ban tổ chức LHP Cannes dành cho bộ phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di. Chẳng cho ta một chút ý niệm nào về tác phẩm.

Có câu nói luôn ở mãi trong đầu tôi không chịu ra, của nhà toán học Ngô Bảo Châu về văn chương. GS Châu bảo anh muốn viết những cuốn sách khiến người đọc “thiết tha hơn với cuộc sống”. “Nếu chúng ta không biết cười, một nụ cười thật sảng khoái, chúng ta sẽ chết”, lời giáo sư.

Mà cuộc đời này, có buồn cũng lại có vui, và còn hằng hà sa số cảm xúc khác nữa. Chị Tư ngoài đời biết cười những nụ cười sảng khoái. Vậy mà văn buồn mãi là sao? Phí!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG