Bước đột phá của trượt băng nghệ thuật Việt Nam

VĐV nhí Trần Khánh Linh đã đánh đổi tuổi thơ của mình để theo đuổi đam mê trượt băng nghệ thuật
VĐV nhí Trần Khánh Linh đã đánh đổi tuổi thơ của mình để theo đuổi đam mê trượt băng nghệ thuật
TPO - Sự ra đời của VSF tạo bước đột phá mới cho trượt băng nghệ thuật Việt Nam, giúp các VĐV có điều kiện tập luyện và phát triển, đồng thời có cơ hội được góp mặt ở sân chơi quốc tế, ở môn thể thao vốn còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Tổng thư ký Liên đoàn Trượt băng Việt Nam (VSF) Trịnh Thị Trang cho biết, sự ra đời của VSF tạo bước đột phá mới cho trượt băng nghệ thuật Việt Nam, giúp các VĐV nước nhà có điều kiện tập luyện và phát triển, đồng thời có cơ hội được góp mặt ở sân chơi quốc tế, ở môn thể thao vốn còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Là một trong những người đứng ra vận động thành lập và sau đó trở thành thành viên của BCH VSF, chị có thể chia sẻ lý do và những khó khăn đối mặt trong quá trình thành lập Liên đoàn?

Ý tưởng vận động các phụ huynh khác có con đam mê bộ môn trượt băng nghệ thuất, đề xuất tới các cấp, ngành có thẩm quyền thành lập VSF xuất phát từ việc đưa con gái Trần Khánh Linh cùng các bạn có năng khiếu đi thi đấu quốc tế. Do Việt Nam chưa là thành viên của Liên đoàn Trượt băng thế giới (ISU) nên có nhiều giải các con không được tham gia hoặc tham gia với tư cách không chính thức.

Đặc biệt là tháng 4/2018, khi các VĐV Việt Nam tham gia giải vô địch quốc gia Indonesia, Khánh Linh giành HCB nhưng BTC nhất định không cho lên nhận giải vì Việt Nam chưa là thành viên của ISU, mà điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên ISU là phải có liên đoàn quốc gia. Thuyết phục mãi nước bạn mới cho con đứng lên bục, nhưng chỉ được nhận giấy chứng nhận và quà của BTC, không được trao huy chương. Mặc dù con không đòi hỏi gì nhưng thấy con hơi buồn mình thương lắm vì để có được một chút thành tích, con phải nỗ lực rất nhiều.

Trong quá trình thành lập có nhiều khó khăn, nhưng tất cả đều động viên nhau cố gắng để phát triển trượt băng vì các con, vì các cháu có chúng niềm đam mê môn thể thao này và vì nền thể thao nước nhà. Cuối cùng, VFS được phép thành lập, nhưng vui hơn nữa là rất nhiều các bạn trẻ yêu thích trượt băng đã thay đổi ảnh đại diện trang cá nhân trên mạng xã hội của mình là logo của liên đoàn, nhiều bạn còn mong muốn đươc là đại biểu tham dự đại hội liên đoàn ngày 3/11 vừa qua.

Ý nghĩa ra đời và mục tiêu của VFS nhiệm kỳ thứ nhất (2018 - 2023) là gì?

Liên đoàn Trượt băng Việt Nam (VSF) được thành lập hôm 3/11 vừa qua với 19 thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần viễn thông FPT- Telecom Chu Thị Thanh Hà được bầu làm Chủ tịch VSF nhiệm kỳ I (2018 - 2023); Tôi hiện là cán bộ Ban Quản lý dự án cải cách chế độ công vụ công chức Việt Nam - Bộ Nội vụ được bầu làm Tổng Thư ký VSF. Đại hội cũng bầu 3 phó Chủ tịch và 1 phó tổng thư ký.

Sự ra đời của VSF là bước tiến vô cùng quan trọng, nhận được sự chào đón không những của các bạn trẻ mà còn từ những người lớn tuổi, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn này tại Việt Nam, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho các VĐV được tập huấn, thi đấu tại các giải quốc tế.

Nhiệm vụ trọng tâm mà VSF chú trọng sau khi ra mắt là tiếp tục phát triển phong trào trượt băng theo hướng sâu rộng trong cả nước. Phấn đấu 10 tỉnh, thành có lực lượng tham gia thi đấu giải đều đặn hàng năm và quan trọng nhất là đến năm 2021, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Liên đoàn Trượt băng Thế giới (ISU).

Ngoài cương vị Tổng thư ký VSF, chị còn được biết đến là mẹ của VĐV nổi tiếng Trần Khánh Linh. Chị có thể chia sẻ về khó khăn mà gia đình đối mặt khi chua có VFS?

Hiện tại, gia đình tôi cũng như các gia đình khác có con theo đuổi đam mê trượt băng đều phải tự túc lo cho con cả về tài chính lẫn công sức và thời gian; phải tự mình mày mò, tìm hiểu để đăng ký cho con tập huấn cũng như thi đấu ở các giải; khó khăn cả trong việc xin visa.

Theo kế hoạch, ngày 19/10 vừa qua, Linh sang Úc tập huấn chuẩn bị cho giải trượt băng quốc gia ÚC 2018 (thành tích top 6 trong giải trượt băng bang New South Wales 2018 nên có trong danh sách dự bị đại diện bang để tham dự giải quốc gia) nhưng do chưa có visa nên con đang ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, điều kiện tập luyện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế: chưa có sân băng tiêu chuẩn Olympic; chưa có HLV trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; chưa có khung giờ tập dành cho VĐV; muốn tập luyện và thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế thì phải sang nước ngoài…

Hiện tại, việc tập luyện và thi đấu của Khánh Linh như thế nào? Trong bối cảnh Liên đoàn trượt băng Việt Nam ra đời, chị có kỳ vọng gì về cháu trong tương lai?

Hiện tại, Khánh Linh hàng ngày con vẫn dành 5h tập luyện trên sân băng, trong đó có 1-2h học online với HLV người Nga. Trong tuần này sẽ có kết quả chính thức con được tham gia giải trượt băng quốc gia Úc hay không. Nếu được thì tôi sẽ nhanh chóng làm các thủ tục cho con sang Úc để chuẩn bị cho giải đấu từ ngày 29/11-7/12. Kết thúc giải đấu con sẽ về Việt Nam để chuẩn bị cho giải trượt băng quốc gia Việt Nam 2018 diễn ra từ 19/12-23/12/2018.

Với sự ra đời của VFS, Khánh Linh cũng như các cháu theo đuổi trượt băng sẽ có sân chơi chuyên nghiệp hơn, được sống với đam mê của mình, góp phần phát triển và nâng cao vị thế của môn Trượt băng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế...

Cảm ơn chị! 

Trần Khánh Linh (sinh năm 2005) là VĐV trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam. Mới làm quen với sân băng từ năm 9 tuổi nhưng chỉ 3 năm sau, Khánh Linh đã giành được rất nhiều danh hiệu như 3 lần đoạt HCV nội dung Novice A giải Trượt băng nghệ thuật Việt Nam, 1 HCV giải Trượt băng nghệ thuật Campuchia và đặc biệt là 2 HCV giải Trượt băng nghệ thuật châu Á...




MỚI - NÓNG