Bùng nổ kiện cáo nhà đất thời khủng hoảng
> Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi các dự án ‘rùa’
Nhiều dự án ở Hà Nội và TP HCM chậm tiến độ, thậm chí đình trệ trong một thời gian dài là nguyên nhân bùng phát tranh chấp, kiện cáo giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Dự án An Điền chậm tiến độ bị khách hàng đòi tiền. Ảnh: Kiên Cường. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh mua căn hộ Ngọc Phương Nam, đường Âu Dương Lân, quận 8 do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây Dựng An Điền làm chủ đầu tư từ 1-2-2010. Hợp đồng thanh toán theo tiến độ xây dựng với tổng giá trị căn hộ là 1,76 tỷ đồng, giao nhà quý 1-2012. Chủ đầu tư được gia hạn đến quý 2-2012. Bà thanh toán được 6 đợt cho Công ty An Điền với tổng số tiền hơn 880 triệu đồng, tương đương 50% tổng giá trị căn hộ thì dự án ngừng thi công vào tháng 10-2011.
Từ tháng 12-2011 đến 6-2012, nhận thấy khả năng bàn giao nhà theo hợp đồng bất khả thi, bà đã nhiều lần liên hệ gặp chủ đầu tư để yêu cầu thanh lý hợp đồng. Gửi đi nhiều công văn và săn lùng ráo riết, nữ khách hàng này hầu như không nhận được hồi âm. Thậm chí đến khi gặp được lãnh đạo Công ty An Điền, vợ chồng bà Hồng Anh cũng chỉ nhận được câu trả lời "tiếp tục chờ đợi". Nữ khách hàng này bức xúc: "Là viên chức văn phòng, để mua căn hộ phải vay ngân hàng, trong khi vẫn phải thuê nhà ở. Tôi cảm thấy quyền lợi của người mua căn hộ đang bị chà đạp nghiêm trọng".
Trong khi đó, Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng An Điền cho biết chủ đầu tư không còn khả năng để trả tiền cho khách hàng. Nếu khách hàng nào muốn chấm dứt hợp đồng, lấy lại tiền đã góp vốn thì công ty chỉ giải quyết khi có người khác mua lại căn hộ. Trong biên bản họp với khách hàng, khi bị người mua nhà chất vấn về việc bồi thường thiệt hại, đại diện chủ đầu tư chỉ hứa hẹn: "chờ ý kiến của Hội đồng quản trị công ty".
Thu 70-95% giá trị căn hộ, 52 Lĩnh Nam nhưng Công ty cổ phần Lilama Hà Nội vẫn chưa xong phần thô dự án với lý do thiếu vốn. Ảnh: Hoàng Lan. |
Tương tự, ông Phạm Thao mua dự án căn hộ Good House Apartments (chung cư Trương Đình Hội) do Công ty cổ phần Lê Minh M.C làm chủ đầu tư cũng đóng đến 85% giá trị căn hộ hơn 100 m2, xấp xỉ một tỷ đồng mà chưa được bàn giao. Dự án khởi công tháng 1-2009, dự kiến bàn giao vào tháng 6-2011, đến tháng 8-2012 công trình vẫn ngổn ngang.
Cuối tháng 8, hàng chục khách hàng mua dự án Good House treo băng rôn đòi nhà, doanh nghiệp mới gặp khách hàng. Đại diện chủ đầu tư - Giám đốc Công ty cổ phần Lê Minh M.C - Nguyễn Thị Minh Dung phân bua: "Chúng tôi không thể trả lời chính xác khi nào bàn giao căn hộ vì công ty đang khó khăn về tài chính. Nếu có đủ tiền xây thì phải đến năm 2013 doanh nghiệp mới có thể bàn giao
Tình trạng tương tự diễn ra tại Hà Nội. Cuối tháng 8, hơn 20 người dân đã tập trung tại dự án Văn phòng Làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp (52 Lĩnh Nam- Hoàng Mai - Hà Nội) của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ về việc tòa nhà chậm tiến độ. Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ đầu tư vi phạm hợp đồng khi điều chỉnh diện tích căn hộ tăng thêm 4-10 m2, thậm chí có trường hợp tăng thêm 34 m2.
Thu 70-95% giá trị căn hộ ở tòa 52 Lĩnh Nam, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội vẫn chưa xong phần thô dự án với lý do thiếu vốn. Chủ đầu tư thừa nhận, công trình phải đến quý 4-2013 mới có thể bàn giao, chậm hơn một năm so với cam kết và mong khách hàng "cảm thông, cùng chia sẻ khó khăn".
Chị Trần Thị Thu Loan cũng lên tiếng phản ánh chuyện hai vợ chồng và một người bạn mua phải 4 lô đất tại một dự án miền Trung. Sau khi nộp hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc từ năm 2011 đến nay, khách hàng vẫn chưa thấy dự án cũng chẳng thấy hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. "Theo điều khoản của giấy đặt cọc, chủ đầu tư phải có trách nhiệm trả lại số tiền và bồi thường thiệt hại cho khách hàng", chị Loan bức xúc.
Trao đổi với PV, ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, các hiện tượng tranh chấp, kiện tụng trong chung cư trước đây vẫn "âm thầm" diễn ra. Tuy nhiên, trước kia, tâm lý khách hàng thường e dè, ngại va chạm, nên họ chấp nhận chịu thiệt và không công khai tố chủ đầu tư. Còn trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, vai trò của người mua và người bán đã đảo ngược.
Trước đây, do thiếu vốn, các chủ đầu tư sử dụng phương án bán nhà trên giấy, một phương thức huy động chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng. Người mua cũng mang tâm lý, rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao nên sẵn sàng tự chấp nhận phương thức này.
"Khách hàng ngày càng có vai trò cao hơn, họ có tài chính và được chủ động lựa chọn dự án mà mình tin tưởng. Bởi vậy, thay vì âm thầm chịu đựng như trước kia, họ biết mạnh dạn đứng lên để đòi hỏi sự công bằng cho chính bản thân mình", ông nói.
Luật sự Bùi Quang Hưng, người thụ lý nhiều dự án tranh chấp bất động sản cho hay, để triển khai dự án, chủ đầu tư có thể vay mượn từ ngân hàng, liên doanh liên kết, vốn tự có và huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, do bối cảnh địa ốc khó khăn, có trường hợp chủ đầu tư lấy tiền góp vốn của khách hàng sau đó đi đầu tư dự án khác nên dự án chính thường bị chậm tiến độ. Theo ông Hưng, trong trường hợp chủ đầu tư không chứng minh được tiền thu của khách hàng sử dụng mục đích gì là có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn. Trong trường hợp này, khách hàng có thể khởi kiện chủ đầu tư.
Theo Hoàng Lan - Vũ Lê
VnExpress