Bức tử rừng thông phòng hộ

Một số cây thông vừa bị đốn hạ.
Một số cây thông vừa bị đốn hạ.
TP - Những cánh rừng thông dọc hai bên đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã bị lâm tặc xâm hại nhiều năm nay bằng cách cưa trộm, khoét lỗ bơm hóa chất hoặc lột vỏ ở gốc châm lửa đốt để cây thông chết dần. Dường như cơ quan chức năng tỏ ra bất lực?

Từ năm 1980, Liên hiệp Lâm - nông - công nghiệp Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk trồng hơn 2.000 thông ba lá phòng hộ, cảnh quan môi trường chạy dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Krông Búk (cũ) và huyện Ea H’leo với nhiệm vụ phòng hộ lưu vực hồ Ea Súp và sông Ba. Năm 2004, diện tích rừng thông này được giao về huyện Krông Búk, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ quản lý với diện tích rừng thông lúc này chỉ còn 757 ha. Từ đó đến nay, hàng nghìn gốc thông đường kính 30 - 40cm liên tục bị xâm hại. Nhiều cây thông đã chết khô đứng sừng sững, không ít cây khác bị cưa gốc nằm ngổn ngang. Lều quán, nhà ở của dân đua nhau mọc lên, rẫy bắp, rẫy mỳ dần thay thế, diện tích rừng thông chỉ còn vài trăm héc ta.

Khu rừng ở xã Chư Kpô (huyện Krông Búk) hiện chỉ còn lác đác vài đám thông nhỏ xen trong rẫy của dân, song những cây thông còn sót lại này vẫn bị đốn hạ, bóc vỏ, chặt gốc, nhiều dấu vết mới nguyên, còn đọng nhựa. Ông Lương Việt Xuân, công dân xã Chư Kpô dẫn chúng tôi đi xem những vạt rừng thông lá đang chuyển màu vàng vừa bị đầu độc bằng thuốc sâu, và những cây thông đã chết khô lâu ngày, bức xúc: “Trước đây, rừng thông bạt ngàn, xanh tốt, nay ra thế này! Họ còn ngang nhiên cưa hạ cây, dùng gỗ thông làm cọc giăng thép gai khoanh vùng sở hữu”- ông Xuân nói.

Ở buôn Rô, xã Cư Né (huyện Krông Búk) rừng thông nằm cách UBND xã chỉ khoảng hơn 200m, nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên vào phá. Hàng trăm cây thông vừa bị khoanh vỏ, có cây bị khoét sâu đến 2/3 thân để đổ thuốc sâu hoặc đốt cháy dưới gốc để cây không sinh trưởng được và dần chết đi. Loại hóa chất mà các đối tượng thường sử dụng thường là thuốc trừ cỏ, có khả năng gây hại lâu dài. Cây thông dù lớn hay nhỏ mà dính phải loại thuốc độc này thì không thể cứu chữa. Thông sẽ chết từ từ như mắc bệnh, không ai biết được thông bị đầu độc từ bao giờ.

Cùng cảnh ngộ, nhiều vạt rừng thông gần 40 tuổi hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũng bị xâm hại, hàng trăm cây thông đứng chết khô.

Ông Y Thanh Ayun, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết, việc rừng thông bị xâm hại đã manh nha từ lâu, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số lấn chiếm đất làm khu dân cư, trồng cây công nghiệp và cây ngắn ngày. Mấy năm gần đây, diện tích rừng thông trên địa bàn xã ngày càng suy giảm, xã đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Cư Né, ông y Thanh Ayun, các đối tượng xâm hại rừng thông thường ra tay vào ban đêm, tập trung thành nhóm, phân công nhiệm vụ dẫn đường, khoan, bơm thuốc, có người cảnh giới. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi nên rất khó  phát hiện, xử lý.

Theo số liệu của Hạt kiểm lâm huyện Krông Búk, trong năm 2014, Hạt kiểm lâm đã xử phạt vi phạm 37 trường hợp vi phạm quản lý bảo vệ rừng, phần lớn là chặt phá, hủy hoại rừng thông để lấn chiếm lấy đất sản xuất, xây dựng nhà ở, lều quán trái quy định. Từ đầu năm 2015 đến nay, Hạt kiểm lâm huyện bắt giữ hàng chục trường hợp người đồng bào dân tộc thiểu số xâm lấn diện tích đất rừng thông, không ít trường hợp bị xử phạt hành chính, có người bị khởi tố hình sự.

Để bảo vệ cảnh quan rừng thông phòng hộ dọc đường Hồ Chí Minh, huyện Krông Búk đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm, tuyên truyền đồng bào không xâm hại, lấn chiếm đất rừng, đồng thời trồng tái tạo lại diện tích đất rừng bị mất.

Nhưng thực tế cho thấy rừng thông vẫn đang bị xâm hại từng ngày. Nếu  không có giải pháp cương quyết hơn, rừng thông phòng hộ này không lâu nữa sẽ hoàn toàn bị xóa sổ.

Theo Chủ tịch UBND xã Cư Né, ông y Thanh Ayun, các đối tượng xâm hại rừng thông thường ra tay vào ban đêm, tập trung thành nhóm, phân công nhiệm vụ dẫn đường, khoan, bơm thuốc, có người cảnh giới. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi nên rất khó  phát hiện, xử lý.

MỚI - NÓNG