Bức bí nơi cửa bể

Bức bí nơi cửa bể
TP - Là địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang đối diện với nhiều thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

> Tràng An - giàu quá cũng khổ
> Làng săn cá mập

Người dân nơi đây trăm mối tơ vò: Lo đất cho người sống, đất mai táng cho người đã khuất, lo biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...

Ô nhiễm môi trường ở biển Ngư Lộc Ảnh: Hoàng Lam
Ô nhiễm môi trường ở biển Ngư Lộc Ảnh: Hoàng Lam.

Lo đất cho người sống và người chết

Từ năm 2005 trở về trước, khi xã Ngư Lộc chưa được xây dựng tuyến đê biển vững chắc thì mỗi năm nơi này vẫn diễn ra tình trạng biển xâm thực, lấn đất.

Theo người dân địa phương cho biết, cách đây hơn 10 năm, đất ở của người dân tính từ mép đê biển hiện nay ra biển dài tới hàng trăm mét. Biển xâm thực, đất tự nhiên thu hẹp dần, tốc độ gia tăng dân số trung bình hàng năm 1,1%, nên đất ở tại Ngư Lộc từ đó cũng hẹp dần. Từ thuở lập làng, lập xã, quỹ đất nơi này eo hẹp đến mức nghĩa địa của xã cũng phải mượn đất của xã Đa Lộc kề bên.

Theo số liệu điều tra gần đây thì tổng diện tích đất tự nhiên của xã Ngư Lộc có hơn 93 ha; trong đó đất ở 37 ha, đất chuyên dùng gần 29 ha, đất cộng đồng chỉ 0,55 ha… Tổng số hộ dân của xã là 3.200 (16.507 khẩu). Theo đó, trung bình một người ở Ngư Lộc có 22 mét vuông đất.

“Lo đất ở cho người sống đã khó trăm bề, đến tuổi già như tôi còn lo đất mai táng khi nằm xuống. Thương con cái mai kia lo hậu sự cho tôi lại phải đi mua đất ở nghĩa địa của xã bên” - Cụ Né nói

Thiếu đất, nên những ngôi nhà rộng của ông bà, bố mẹ trước đây dần được chia nhỏ để các thế hệ con, cháu chắt tiếp tục sinh sống, mưu sinh.

Ở đây, phổ biến là những căn nhà rộng chừng hơn 30 mét vuông cho 6 nhân khẩu. Cũng có nhiều nhà chỉ rộng hơn 20 mét vuông, rồi những ngôi nhà chưa đầy 10 mét vuông, nhưng có 3- 4 người ở.

Tại thôn Thắng Lộc, bà Nguyễn Thị Nu (59 tuổi) ngồi bế cháu trong ngôi nhà chỉ kê được một chiếc giường đơn, và còn lối đi lại, cho biết: “Hộ chúng tôi có 3 người là tôi và hai mẹ con em gái.

Diện tích ngôi nhà chỉ gần 6 mét vuông, không đủ để chúng tôi cùng nhau nằm trên một chiếc giường rộng nên nhà của chúng tôi có một cái gác nhỏ để thêm một chiếc giường đơn cho hai mẹ con em gái tôi. Không riêng gia đình tôi, nhiều hộ ở đây đều không có nhà vệ sinh, người lớn, trẻ nhỏ đều ra biển cả”.

Trong ngôi nhà khoảng 40 mét vuông gồm 2 phòng, cụ Nguyễn Thị Né (86 tuổi, ở thôn Thắng Lộc) nói: “Ngôi nhà tổ tiên để lại chật hẹp vậy mà ba thế hệ gồm 11 người đang cùng sinh sống. Hai vợ chồng con trai và hai đứa nhỏ ở cùng phòng với bố mẹ nó. Còn tôi, con gái tôi và 5 đứa cháu ngủ phòng ngoài. Phòng ngoài cũng là phòng khách luôn.

Chỉ thương mấy đứa nhỏ đang độ tuổi đến trường, nhà chật nên không có góc riêng mà học tập. Nhiều hôm, các cháu học bài trên chiếc bàn gấp di động xong, rồi kê xuống nền nhà làm giường tạm để ngủ.

Phần lớn đến thời điểm này, nhiều hộ như gia đình tôi không thể tách hộ trên địa bàn xã, vì quỹ đất thổ cư của gia đình và quỹ đất ở của xã không còn. Lo đất ở cho người sống đã khó trăm bề, đến tuổi già như tôi còn lo đất mai táng khi nằm xuống. Thương con cái mai kia lo hậu sự cho tôi lại phải đi mua đất ở nghĩa địa của xã bên” - cụ Né nói.

Ngôi nhà gần 6 mét vuông của gia đình chị Nu được coi là nhỏ nhất ở xã Ngư Lộc
Ngôi nhà gần 6 mét vuông của gia đình chị Nu được coi là nhỏ nhất ở xã Ngư Lộc.

Tỷ lệ sinh cao trong khi quỹ đất không còn, đất cho người sống linh hoạt, tạm ổn, nay đất cho người chết ở Ngư Lộc đang bức bí. Lâu nay, nghĩa địa của Ngư Lộc đang mượn một phần đất của xã Đa Lộc, nay diện tích này đã gần hết.

Không ít người dân Ngư Lộc đã phải tính đến chuyện lo mua đất ở các xã lân cận để chuẩn bị cho người chết, hoặc quy hoạch mộ dòng họ của mình. Sẽ không có gì lạ khi giá đất ở hiện nay ở Ngư Lộc đang có giá cao nhất là 20 triệu đồng/mét vuông ở vị trí đẹp, có thể mở cửa hàng kinh doanh; thấp nhất có giá 1 triệu đồng/mét vuông ở trong xóm, ngõ ngách.

Dù đất ở đã hết, tập quán nghề biển của người dân không muốn rời làng đi đến nơi ở mới, nhưng hàng năm vẫn có hơn 20 hộ dân Ngư Lộc tách hộ phải mua đất các xã lân cận để xây nhà.

“Đất ở không còn, nhà chật, nhiều nhà còn siêu mỏng hơn ở phố, thì đương nhiên ngõ, đường ở nơi đây cũng siêu nhỏ. Ngoài tuyến đường trung tâm xã và tuyến đê biển, còn hầu hết các ngõ trong thôn, đường liên thôn ở Ngư Lộc đều siêu nhỏ. Hai người đi xe máy, xe đạp ngược chiều nhau phải dừng lại, lách nhau mà qua.

Trong khi đó, toàn xã có 7 thôn thì mỗi thôn chỉ có chừng hơn 100 mét vuông làm nhà văn hóa, không có đất dành cho khu vui chơi, giải trí cho người dân, trẻ nhỏ. Hai trường học phải chung một sân tập thể dục.

Nhiều hộ dân ở Ngư Lộc đang giàu lên, có điều kiện mua sắm ô tô riêng, nhưng đường hẹp, không có bãi đỗ xe, nên dân đành đi xe máy”- ông Nguyễn Hải Năm- Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc
cho biết.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Không có đất nông nghiệp, người dân nơi đây sống hoàn toàn phụ thuộc vào nghề khai thác trên biển, hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại. Có tới 65% người dân thu nhập từ nghề cá. Biến đổi khí hậu những năm gần đây làm cho mưa bão thất thường, tai nạn và rủi ro trên biển xảy ra thường xuyên.

Từ ngày có đê biển kiên cố, người dân Ngư Lộc không còn lo biển xâm thực nữa. Nhưng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao khiến cho việc nước thải sinh hoạt trong dân luôn bị ứ đọng ở hệ thống cống rãnh nội thôn, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Là một xã có tới 315 tàu, thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi, dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại phát triển, người dân nơi đây có thói quen sử dụng túi ni lông, bao bì chất rắn đựng hàng, nên lượng rác thải hằng ngày phủ dày bãi biển.

Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, mỗi ngày số dân và các khu chế biến, hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại, các cơ quan trên địa bàn xã thải ra gần 5 tấn rác thải rắn.

Trong xã và huyện Hậu Lộc chưa có bãi chứa, xử lý rác thải tập trung, nên toàn bộ số rác thải ở Ngư Lộc đều được tống ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mỗi năm nước mặn xâm thực tới 4 tháng vào mùa khô, gây khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhiều ngôi nhà siêu mỏng như thế này ở Ngư Lộc
Nhiều ngôi nhà siêu mỏng như thế này ở Ngư Lộc.

Là vùng đất có tiềm năng về lao động, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tiềm năng về du lịch biển, du lịch sinh thái, đứng trước thực trạng đất cạn người vẫn sinh sôi, cấp ủy, chính quyền và người dân Ngư Lộc đã kiến nghị lên cấp trên quy hoạch, bàn giao một phần quỹ đất của các xã lân cận cho Ngư Lộc làm đất ở; giãn dân, đưa dân đến vùng kinh tế mới; đầu tư xây dựng các khu nhà xã hội bán cho dân; quai đê lấn biển để tạo quỹ đất. Họ đã kiến nghị và họ đang chờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG