Ngẫm lại sau gần mười năm thấy đúng, Hà Nội dù có thể kém đi một công trình hoành tráng nhưng đã thu được nhiều. Cái được lớn nhất có lẽ là niềm tin của người dân vào quyết sách của thành phố. Với nhà đầu tư dự án, có thể họ đã tổn thất không ít về tiền bạc nhưng bù lại những cái được lớn hơn bội phần. Chí ít là mỗi lần qua hồ Gươm họ không cảm thấy xấu hổ khi phải nghe những lời nguyền khắc bia miệng nhân gian!
Mới đây người ta lại một phen giật mình hóa ra tám năm qua, chính quyền Hà Nội chưa lo được nhà cho cựu chủ tịch thành phố và hóa ra, cựu chủ tịch vẫn bám trụ ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Nghịch lý ở chỗ, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở, hàng chục khu đô thị từ hạng sang đến bình dân và thu nhập thấp mọc lên mỗi năm, vậy mà sao lại không lo được chỗ ở cho vị cựu chủ tịch thành phố một chỗ ở xứng với cống hiến, đóng góp! Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một vị chủ tịch từng phê duyệt hàng chục dự án bất động sản, chăm lo chỗ ở cho cả triệu người để đến lúc về hưu không có chỗ ở thì cũng thật đáng phân vân!
Dẫu biết rằng được thuê ở biệt thự giá “nhà nước” là một thứ quyền lợi, nhưng có nhiều thứ còn quý hơn cả quyền lợi. Giá thuê biệt thự 400m2 chỉ bằng giá thuê trọ của chị hàng rong hay một sinh viên nghèo. Tiết kiệm chi phí hẳn là đức tính tốt. Nhưng để lãng phí, thất thoát cũng là điều tối ky. Ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa nếu được thu hồi đem cho thuê giá thị trường hẳn nhà nước thu về tiền tỷ mỗi năm. Tám năm kéo dài, số tiền đó đủ để hỗ trợ ông Hoàng Văn Nghiên tạo lập chỗ ở mới khang trang. Thành phố khỏi phải mang tiếng và cựu chủ tịch hẳn sẽ tìm được niềm vui. Và sẽ được nhiều hơn cho tất cả các bên nếu cựu Chủ tịch tự nguyện trả biệt thự mà không yêu cầu một thứ điều kiện nào. Nhưng điều đó không xảy ra. Ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, cựu chủ tịch hiện không ở, và nhà nước cũng không thu được giá thuê nhà theo thị trường. Mục tiêu tạo chỗ ở cho cựu chủ tịch có là sự thật? Khối tài sản của nhà nước đang hao mòn vô nghĩa.
Đến lúc này, dư luận lại đang ngóng trông vào quyết định sáng suốt từ lãnh đạo thành phố Hà Nội và cả của cựu chủ tịch UBND thành phố. “Bớt đi để được nhiều hơn”- câu nói thấm nhuần tư tưởng nhà Phật nhiều ý nghĩa nhân văn sao mà khó thực hiện đến thế?