Ngày 22/6/1941, phát xít Đức mở chiến dịch Barbarossa với 150 sư đoàn bộ binh và 3.000 xe tăng, chia làm ba mũi tiến công trên chiến tuyến trải dài 2.896 km để xâm lược Liên Xô. Thời điểm đó, Liên Xô rất cần những phi công tài năng để chống quân xâm lược. Vài tháng sau, đài phát thanh Moscow kêu gọi phụ nữ gia nhập không quân để chiến đấu như những người đàn ông.
Một trong những người hưởng ứng tiếng gọi đó là Lydia Litvyak. Sau này, bà trở thành nữ phi công thiện chiến nhất của Liên Xô, dù gặp phải nhiều thử thách lớn trong quá trình chiến đấu, theo RBTH.
Theo sử gia Bruce Myles, Lydia Litvyak đã học thuộc lòng mọi cuốn sách về hàng không. Mức độ tiếp thu của cô nhanh đến mức Litvyak có thể tự lái máy bay Polikarpov Po-2 chỉ sau 4 giờ học. Vào thời điểm Đức xâm lược Liên Xô, Litvyak là giáo viên hướng dẫn bay đã đào tạo được 45 phi công dân sự. Khi chiến dịch Barbarossa nổ ra, cô quyết định nộp đơn gia nhập không quân Liên Xô.
Sau vài lần bị từ chối, cuối cùng Litvyak được gia nhập Trung đoàn tiêm kích số 586, đội bay toàn nữ nổi tiếng của Liên Xô do đại tá Marina Raskova thành lập. Litvyak tham gia huấn luyện với tiêm kích Yak-1, chiến đấu cơ một chỗ ngồi nhỏ gọn nhưng đáng tin cậy của Liên Xô.
Trong quá trình chiến đấu, cô đã 12 lần đơn độc bắn hạ phi cơ địch, cùng 4 lần phối hợp với đồng đội để tiêu diệt máy bay phát xít Đức. Litvyak là phi công có tay nghề cao và thiện chiến, luôn khao khát bay và chiến đấu chống phát xít xâm lược. Những chiếc máy bay Đức bị cô bắn hạ gồm tiêm kích Me-109, Fw 190 và oanh tạc cơ bổ nhào Junkers Ju 87.
Chuyến bay chiến đấu đầu tiên của Litvyak diễn ra vào mùa hè năm 1942 ở Saratov. Tháng 9/1942, cô được điều về Trung đoàn tiêm kích số 437, đơn vị toàn nam để bảo vệ bầu trời Stalingrad. Litvyak nhanh chóng thể hiện bản lĩnh chiến đấu tuyệt vời của mình với thành tích diệt hai máy bay địch vào ngày 13/9, chỉ ba ngày sau khi đến đơn vị. Nhờ đó, cô trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Liên Xô bắn hạ máy bay địch, mang biệt danh "Bông hồng trắng Stalingrad" hay "Lily".
Erwin Maier, phi công đẳng cấp ace của Đức, người đã hạ ít nhất 5 máy bay Liên Xô, cũng bị Litvyak bắn rơi, buộc phải nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Maier không tin việc mình bị một nữ phi công bắn hạ, cho đến khi nghe Litvyak thuật lại chính xác các động tác cơ động trong trận không chiến.
Litvyak hai lần gặp sự cố khi hạ cánh, cùng một lần bị bắn trúng và bị thương nặng khi ở trên máy bay, dẫn tới mất nhiều máu khi hạ cánh.
Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, cô bị thương và phải hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ do phát xít Đức chiếm đóng. Lính Đức tìm cách bắt sống Litvyak, nhưng một máy bay Liên Xô kịp đến nơi và cứu cô trước làn hỏa lực địch. Trong một trận không chiến khác, Lydia Litvyak bị thương ở chân nhưng vẫn điều khiển máy bay lướt qua đội hình đối phương, sử dụng pháo 20 mm và súng máy 12,7 mm để tấn công và thoát ly về căn cứ.
Chân dung Lydia Litvyak. Ảnh: War History.
Lần khác, phát xít Đức sử dụng khinh khí cầu để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh tấn công cứ điểm của Hồng quân. Các khinh khí cầu này bay cao, vượt khỏi tầm bắn của pháo phòng không và không máy bay nào bắn hạ được. Litvyak tình nguyện thực hiện nhiệm vụ bất khả thi bằng cách bay trên lãnh thổ địch để bắn hạ chúng, trước khi các khinh khí cầu lấy độ cao và đã thành công.
Ngày 1/8/1943, Litvyak xuất kích lần thứ tư trong ngày để hộ tống cường kích Il-2 Shturmovik. Trên đường trở về căn cứ, Litvyak phát hiện một phi đội oanh tạc cơ Đức nên quyết định tấn công mà không biết rằng các tiêm kích Bf-109 đang lao tới.
"Lily không biết hai tiêm kích Bf-109 bay cảnh giới cho các oanh tạc cơ Đức. Hai chiếc trong số chúng bổ nhào vào cô ấy và họ đều biến mất sau đám mây", phi công Ivan Borisenko hồi tưởng.
Borisenko tham gia trận không chiến này và đã chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng của Litvyak qua lỗ hổng của đám mây. Chiếc Yak-1 bốc khói và bị 8 tiêm kích Bf-109 đuổi theo. Borisenko hạ độ cao để tìm kiếm Litvyak nhưng không phát hiện dù thoát hiểm hay tiếng nổ nào.
Litvyak không trở về sau nhiệm vụ này, khi đó cô mới 21 tuổi. Chính quyền Liên Xô cho rằng Litvyak có khả năng đã bị bắt nên không thể trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho cô.
Trong nỗ lực chứng tỏ Litvyak không bị phát xít Đức bắt giữ, các đồng đội đã tiến hành cuộc tìm kiếm kéo dài 36 năm để xác định địa điểm chiếc Yak-1 rơi. Tới năm 1979, sau khi thăm dò hơn 90 địa điểm khác nhau và tìm thấy 30 phi công mất tích, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một nữ phi công chưa rõ danh tính được chôn ở làng Dmitrievka, tỉnh Shakhterski.
Ủy ban chuyên gia được thành lập đã xác nhận đây chính là Lydia Litvyak, người đã hy sinh trong chiến đấu sau khi bị một vết thương chí mạng ở đầu. Ngày 6/5/1990, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev truy tặng nữ phi công Lydia Litvyak danh hiệu Anh hùng Liên Xô.