Bóng hồng áo lính 'thắp lửa' phong trào

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tá Bùi Thị Chính (Phòng Chính trị Bộ CHQS thành phố Hải Phòng) trao tiền hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Thiếu tá Bùi Thị Chính (Phòng Chính trị Bộ CHQS thành phố Hải Phòng) trao tiền hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
TP - Là hai trong số những điển hình của Quân khu 3 về thực hiện Phong trào thi đua phụ nữ Quân đội giai đoạn 2016-2021, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Chính và Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thị Huế luôn “cháy” hết mình trong mọi nhiệm vụ.

Ðồng hành cùng phụ nữ nghèo

Công tác tại Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Hải Phòng, nhiều năm qua, Thiếu tá Bùi Thị Chính đã tổ chức và trực tiếp tham gia nhiều phong trào, mô hình hiệu quả của chị em áo lính ở thành phố Cảng.

Trước thực tế nhiều nữ quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhằm giúp đỡ chị em có thêm thu nhập chăm lo cuộc sống hậu phương, chị Chính cùng chỉ huy các cấp hướng dẫn các cấp Hội Phụ nữ trực thuộc thực hiện có hiệu quả quỹ “Tiết kiệm phụ nữ”.

Theo chị Chính, để xây dựng quỹ, thời gian đầu, mỗi tháng chị em hội viên trích một phần tiền lương từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Cùng với nguồn hỗ trợ ở trên, khi đạt được một khoản là 50 triệu đồng, số tiền này được luân chuyển cho chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vay vốn làm kinh tế.

“Từ nguồn vốn được vay, có chị em đã đầu tư vào việc chăn nuôi gà, vịt; có người mua vật liệu để làm các sản phẩm thêu ren... Nhờ đó, chị em gia tăng thêm thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng, góp phần cải thiện và nâng cao hơn đời sống gia đình”, chị Chính nói.

Từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN thành phố triển khai, chị Chính và đồng đội đã xây dựng mô hình “Phụ nữ Bộ CHQS thành phố Hải Phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Với mô hình này, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, những nữ quân nhân ở Bộ CHQS Hải Phòng đã quyên góp ủng hộ 40 triệu đồng và hỗ trợ xây dựng 4 mái ấm tình thương tặng chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Mô hình này đã trở thành hoạt động thường niên, mang tính nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân của địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

“Thời gian qua, khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn Hải Phòng, tôi cùng với BCH Hội Phụ nữ Phòng Tham mưu phối hợp với Đoàn Thanh niên của Bộ CHQS thành phố, trích quỹ tiết kiệm của Hội, mua nguyên vật liệu về làm hơn 1.000 chiếc kính chắn giọt bắn, tham gia hỗ trợ người dân thu mua 5.000 quả trứng và trên 3.000 tấn rau, củ, quả tặng cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”, Thiếu tá Chính cho biết thêm.

Sưởi ấm tình quân dân

Là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, Thiếu tá Phạm Thị Huế luôn được chỉ huy và đồng đội đánh giá cao trong việc xây dựng và đổi mới phương thức hoạt động Hội, tạo đột phá lớn trong tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội đạt 100%.

Bóng hồng áo lính 'thắp lửa' phong trào ảnh 1

Thiếu tá Phạm Thị Huế (Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) tiếp sức bộ đội Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) với mô hình “Bát nước thao trường”

Chị Huế cùng Hội Phụ nữ đã thực hiện tốt các mô hình, phong trào như: “Làm theo Bác thực hiện tiết kiệm”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”… Bằng những việc làm cụ thể như phát động nuôi lợn tiết kiệm (mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng/ngày); khuyến khích tổ, hội vận động cán bộ, quân nhân trong đơn vị, cùng tham gia ủng hộ giúp chị em hoàn cảnh khó khăn; xoay vòng nguồn vốn làm kinh tế gia đình hay mua sắm các thiết bị sinh hoạt thiết yếu.

Từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá Bùi Thị Chính và Phạm Thị Huế liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhiều lần được khen thưởng ở các cấp. Hai chị đã được đề nghị tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị trong thực hiện Phong trào thi đua Phụ nữ Quân đội 5 năm (2016-2021).

Đặc biệt, trong phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, mỗi chi hội đã tổ chức ít nhất một hoạt động để mỗi hội viên đóng góp ít nhất 1 ngày công/năm; 100% cán bộ, hội viên tham gia ngày “Thứ Bảy tình nguyện” và “Chủ nhật xanh” tại cơ quan, đơn vị và địa bàn đóng quân. Điển hình như tại khu vực phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long), nhờ sự tận tâm của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Bộ CHQS tỉnh, ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp của người dân đã được nâng cao rõ rệt qua “việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn” là phân loại rác, đổ rác đúng nơi qui định hay tham gia giao thông an toàn…

Mỗi dịp tết đến, xuân về, trên khắp các địa bàn khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh, những bóng hồng áo lính luôn xuất hiện trong các chương trình “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tết yêu thương, chia sẻ”. Chị Huế cùng đồng đội gửi gắm tình cảm, trao yêu thương qua những cặp bánh chưng, cân thịt lợn và nhu yếu phẩm thiết yếu, trao tận tay người dân nghèo.

Trong 5 năm qua, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, bằng tất cả sự yêu thương, Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã gửi tặng 460 suất quà cho học sinh ở các địa bàn khó khăn và tuyến biên giới Bình Liêu, Hoành Bồ, Móng Cái, trị giá hàng trăm triệu đồng. Hội còn phối hợp xây dựng đường bê tông vào điểm trường tiểu học vùng xa, tặng xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, xây nhà mái ấm tình thương.

“Chúng tôi tham mưu cho Bộ CHQS phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức gặp mặt 50 thân nhân gia đình có chồng, con là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 nhân dịp Tết Nguyên đán”, Thiếu tá Phạm Thị Huế cho biết thêm.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.