Bóng hồng 9X rộn bước quân hành

TP - Gọn gàng, chỉn chu tác phong trong bộ quân phục chiến sĩ, những bóng hồng 9X duyên dáng, dễ thương đang huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7 đều hừng hực quyết tâm trước chặng đường binh nghiệp tương lai.

Ở Trường Quân sự Quân khu 7 những ngày này, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào 100 cô gái đều thuộc lứa 9X (người ít tuổi nhất sinh năm 1997, nhiều tuổi nhất sinh năm 1990) đang trong giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới. Đến từ nhiều miền quê khác nhau trên khắp cả nước, mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều chung một quyết tâm luyện rèn trong môi trường quân ngũ.

Dưới cái nóng oi bức cuối mùa khô ở Sài Gòn, trên con đường nội bộ dài rộng vang tiếng bước chân rầm rập của ba trung đội nữ tân binh thuộc biên chế Đại đội bộ binh 1 trong giờ huấn luyện điều lệnh đội ngũ. Những tiếng hô: Đi đều, bước. Một, hai… nối nhau vang lên đồng thanh trong tiếng nhạc quân hành hào hùng khiến những ai chứng kiến cũng chộn rộn chân tay và lâng lâng cảm xúc.

Xen lẫn “trùng điệp” bóng hồng tân binh là những cán bộ, chỉ huy cả nam lẫn nữ luôn miệng nhắc nhở các nữ tân binh chú ý giữ cự ly đội hình cùng nhịp tay, chân cho đều. Suốt mấy tiếng đồng hồ, không khí luyện tập luôn được duy trì với tác phong chính quy, nghiêm ngắn đúng kiểu nhà binh, chỉ khác các đơn vị huấn luyện tân binh nam là có thêm những nét cười hay động tác làm duyên riêng có của các nữ chiến sĩ trẻ trung, căng tràn nhựa sống tuổi đôi mươi.

Chuyển sang giờ học kỹ thuật chiến đấu bộ binh, dù chưa thực sự nhuần nhuyễn tất cả các động tác, nhưng các cô gái cũng chả hề câu nệ, sợ lấm lem như khi còn ở nhà. Họ sẵn sàng thực hiện các động tác bò, trườn trên cỏ theo chiến thuật tổ và cá nhân hoặc nằm sát đất thực hiện ngắm bắn tiểu liên AK khi được gọi tên, dù thi thoảng lại có tiếng la hốt hoảng rất con gái như “Kiến đốt em rồi A trưởng ơi” hay “Trời ơi, con sâu ghê quá”… khiến cả trung đội lao xao và chỉ huy cũng phải
bật cười.

Giờ giải lao, thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp khoảnh khắc trò chuyện của nhóm các cô gái ở trung đội 2, một nữ tân binh vội nói: “Chờ em vuốt lại tóc đã, bết mồ hôi nhìn kỳ lắm anh phóng viên ơi” rồi che miệng cười khúc khích...

Nguyện theo đường binh nghiệp

Là chị cả của Trung đội 1 và là một trong hai nữ tân binh lớn tuổi nhất ở Đại đội 1, trước khi đi bộ đội, Tống Thị Phương Duyên (SN 1990) đã có 6 năm làm công tác Đoàn ở địa phương. Cô Phó Bí thư Đoàn phường Tân Phú, quận 7, TPHCM này còn là một xạ thủ bắn súng và bắn nỏ thiện nghệ tại nhiều giải đấu phong trào ở thành phố. Phương Duyên tâm sự: Nhà em không có ai theo đường binh nghiệp, em đã có bằng cử nhân sư phạm nhưng do cơ duyên với lĩnh vực quân sự từ khi còn ở Đoàn phường nên em quyết tâm vào quân ngũ.

“May mắn là em được cả gia đình mình lẫn gia đình bạn trai ủng hộ. Bạn trai em đang công tác tại một trại giam ở Cà Mau, trước ngày em nhập ngũ, anh ấy cùng ba mẹ lên nhà em chơi và nghỉ lại một đêm, chúng em đã có giao ước sẽ kết hôn sau khi em hoàn thành nghĩa vụ quân sự”, Duyên nói.

Trò chuyện với PV Tiền Phong, thiếu tá Triệu Quang Khoa, Đại đội trưởng Đại đội bộ binh 1 - người giữ vai trò “tổng quản” trực tiếp đối với 100 tân binh đặc biệt này cho biết, cũng như Phương Duyên, các nữ chiến sĩ 9X khác đều quyết tâm luyện rèn để theo đường binh nghiệp lâu dài.

Trong số này, thiếu tá Khoa có ấn tượng nhất đối với nữ tân binh Tăng Thị Phương Linh (SN 1995) quê ở Bình Định. Mặc dù nhập ngũ bổ sung đợt 2, nhưng với tính cách năng động, sôi nổi, Phương Linh đã nhanh chóng làm quen và hòa đồng rất nhanh cùng các bạn vào trước. Đặc biệt, Linh còn khiến cán bộ chỉ huy và đồng đội thán phục bởi biệt tài nhớ tên của tất cả mọi người trong đại đội chỉ sau hai ngày về đơn vị, trong khi nhiều bạn dù về đơn vị trước Linh 10 ngày vẫn còn bỡ ngỡ.

“Những ngày đầu huấn luyện còn nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức nhưng Linh không hề nản chí mà trái lại càng chứng tỏ mình là người ham học hỏi khi chịu khó hỏi han, hăng say luyện tập. Điều đó tạo nên nhiều cảm hứng cho các bạn khác nỗ lực hơn và thêm quyết tâm đạt thành tích tốt trong huấn luyện”, thiếu tá Khoa tâm sự.

Bóng hồng 9X rộn bước quân hành ảnh 1 Tranh thủ “tám chuyện” lúc giải lao. Ảnh: Nguyễn Minh.

Thương nhau như chị em một nhà

Cùng cảnh xa nhà nên sau những giờ học tập chính trị, huấn luyện quân sự, các nữ tân binh lại dành cho nhau những tình cảm như chị em cùng một gia đình, từ bảo nhau cách trang điểm, dưỡng da sau mỗi buổi “phơi nắng” trên thao trường đến lo lắng, chăm sóc nhau khi có người bị mệt…

Khác với phong cách chững chạc của chị cả Phương Duyên, cô em út có cái tên khá lạ Lê Hải Châu Châu (SN 1997, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 1) vẫn giữ nét nhí nhảnh, hồn nhiên của tuổi 20. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Công nghệ Bách khoa TPHCM, cô gái quê vùng đất Long An làm đơn nhập ngũ. Thương con gái, cuối tuần nào ba mẹ Châu Châu cũng tay xách nách mang đủ thứ đồ ăn mà cô thích lên đơn vị thăm con và đồng đội. Mỗi bận như thế, cả trung đội lại cùng được thưởng thức cơ man nào trái cây miệt vườn cùng món tôm và cà ri gà vốn là những món khoái khẩu của Châu Châu hồi còn ở nhà. Không chịu “thua kém” em út Châu Châu, nữ chiến sĩ Đỗ Thị Phương Thảo (SN 1994) cũng chiêu đãi mọi người món bánh pía Sóc Trăng trứ danh mỗi dịp có người thân lên thăm.

Tình thương yêu mà các cô gái lần đầu xa nhà đi bộ đội dành cho nhau khiến họ xích lại gần nhau bằng sợi dây tình bạn, tình chị em nhiều cảm xúc, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và cứng cỏi hơn. Đó là tâm sự của nữ tân binh Phan Thị Hồng Nhung (SN 1991, quê ở Việt Trì, Phú Thọ). Ba mất sớm, chị gái đi lấy chồng nên Nhung luôn nhớ và lo lắng cho mẹ đang vò võ ở nhà một mình. Nhung kể: Em thích ăn đồ ngọt từ bé nên “may mắn” hợp khẩu vị với đồ ăn trong này. Những lúc buồn vì nhớ nhà, nhớ mẹ, mọi người lại xúm vào hỏi han, động viên nên em cũng dần nguôi ngoai. Mỗi khi có ba mẹ hay người thân của các bạn lên đơn vị thì tất cả đều coi như người nhà của mình. Vui nhất là những lần tổ chức sinh nhật đồng đội, bởi chỉ trong quân ngũ mới có tiệc sinh nhật chung độc đáo như vậy. 

Bóng hồng 9X rộn bước quân hành ảnh 2 Nữ tân binh tài sắc vẹn toàn Trần Thị Giao Linh trong giờ học chiến thuật. Ảnh: Nguyễn Minh.

Nắng mưa không sờn chí

Nổi tiếng bởi tài năng trong nhiều lĩnh vực, Trần Thị Giao Linh (SN 1992) là nữ tân binh tài sắc vẹn toàn hiếm có. Sở hữu chiều cao 1m70 cùng gương mặt thanh tú, Giao Linh là chủ nhân danh hiệu Á khôi áo dài TPHCM năm 2016 và Á khôi Đại học Nguyễn Tất Thành thời sinh viên. Không chỉ có vậy, khả năng võ nghệ của Giao Linh cũng thuộc hàng cao thủ với đai đen Taekwondo và biết đánh cả Muay Thái. Linh còn là một xạ thủ mát tay tại các giải thi đấu bắn súng AK, CKC, K54, bắn nỏ trong vai trò là vận động viên của Đoàn bắn súng Bộ Tư lệnh TPHCM.

Tự nhận mình là người “tham lam” khi muốn thực hiện cùng lúc nhiều dự định trong tương lai, Giao Linh tâm sự: Em là con một nên ban đầu ba mẹ và người thân lo lắng và sợ em không thích nghi được với môi trường quân đội lâu dài. Nếu có điều kiện, em sẽ vừa là một vận động viên bắn súng chuyên nghiệp, vừa hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đối ngoại - kinh tế, thậm chí là một MC nữa.

“Em may mắn được làm quen với môi trường quân đội từ sớm, được tham gia nhiều đợt tập huấn trước các giải đấu ở nhiều đơn vị khác nhau nên dù có vất vả, khó khăn đến đâu thì em cũng quyết tâm hoàn thành tốt đợt huấn luyện tân binh này để thực hiện ước mơ của mình”, Giao Linh chia sẻ.

Theo thiếu tá Triệu Quang Khoa, trong thời gian 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, các nữ tân binh phải trải qua tất cả các nội dung huấn luyện gồm chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, điều lệnh, rèn luyện thể lực như nam tân binh ở các đơn vị khác. Tuy nhiên, mỗi trung đội đều có một nữ quân nhân đảm nhiệm chức vụ Trung đội phó để kịp thời giúp ổn định tâm lý, tư tưởng và chia sẻ những chuyện tế nhị của phái nữ. Mặt khác, những nữ tân binh này được bố trí 4 người ở một phòng có công trình phụ khép kín (trong khi nam tân binh ở tập trung cả trung đội trong một phòng).

“Trong môi trường lính các em thể hiện nhiều sắc thái khác nhau. Mạnh mẽ, quyết liệt, không quản ngại nắng mưa trên thao trường như một chiến sĩ thực thụ nhưng cũng trở lại là những cô gái đầy nữ tính, dịu dàng ngoài giờ huấn luyện” .

Thiếu tá Triệu Quang Khoa, Đại đội trưởng Đại đội bộ binh 1, Trường Quân sự Quân khu 7 

Năm 2017, Quân khu 7 được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện 100 nữ chiến sĩ mới đến từ 11 đầu mối đơn vị, tương đương 50 cấp xã, phường, thị trấn trên cả nước với trình độ văn hóa cao, sức khỏe, hình thể tốt. Sau 6 tuần, các nữ tân binh đã hoàn thành được 50% các khoa mục huấn luyện (gồm 3 tư thế bắn súng AK bài 1, chiến thuật, 3 bài học chính trị, thực hiện 5 buổi hành quân chiều và đêm với quãng đường 2-4km, thực hiện tốt báo động kiểm tra quân số và báo động di chuyển khỏi đơn vị).

MỚI - NÓNG