Câu chuyện thể thao

Bóng đá Việt Nam thời nhiều chuyện lạ

HLV Mai Đức Chung (giữa) bị thành viên BCH VFF chất vấn về danh sách triệu tập ĐTQG ngay trong ngày ra mắt HLV ĐTQG. Ảnh: VSI.
HLV Mai Đức Chung (giữa) bị thành viên BCH VFF chất vấn về danh sách triệu tập ĐTQG ngay trong ngày ra mắt HLV ĐTQG. Ảnh: VSI.
TP - Ngay trong ngày ra mắt tạm quyền dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam, HLV Mai Đức Chung đã bị “chém” tơi tả vì danh sách triệu tập cầu thủ.

Ông Chung lên tạm quyền nắm tuyển Việt Nam, thay HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức vì thất bại của U22 tại SEA Games 29. Tại lễ ra mắt, HLV Mai Đức Chung đã bị hai thành viên BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đứng lên chất vấn về danh sách triệu tập cầu thủ vào đội tuyển Việt Nam, trong đó một số trường hợp bị đánh giá không hợp lý.

Chuyện bình luận, đánh giá chuyên môn trong bóng đá không hề lạ. Tuy nhiên, việc thành viên VFF, ngay trong ngày ra mắt của HLV trưởng (dù chỉ tạm quyền), công khai đứng lên phản đối thì hiếm, nếu không muốn nói chưa từng có tiền lệ. Cái hiếm thứ 2 nữa, là những người phản đối đồng thời yêu cầu HLV Mai Đức Chung phải xem xét lại, thay đổi quyết định vừa đưa ra. Có lẽ không đâu như Việt Nam, quyền của HLV trưởng một đội bóng lại bị xâm phạm một cách công khai như đối với HLV Mai Đức Chung, vốn vừa cùng đội tuyển bóng đá nữ “gỡ” cho bóng đá Việt Nam một trận thua đậm ở SEA Games, khi vượt qua Thái Lan để giành HCV.

Một trong 2 thành viên BCH VFF phản ứng HLV Mai Đức Chung là ông Lê Văn Thành, đang là Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV). Trước thềm SEA Games 29, nội bộ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã “vỡ tung toé”, với kết quả chuyên gia người Nhật Bản Hidehiro Irisawa bỏ về nước chỉ để lại dăm dòng thư “từ biệt”. Thông tin cho biết ông Irisawa phản ứng lại việc bị can thiệp vào chuyên môn từ phía những người thuê mình. Ban đầu VFV “đôn” HLV Nguyễn Quốc Vũ lên nắm đội tuyển bóng chuyền nữ dự SEA Games 29, nhưng sau cuối “làm lành” rồi ký hợp đồng với chuyên gia Irisawa. Ông Irisawa mặc dù vậy phải chấp nhận nhượng bộ một số phương án nhân sự do VFV đưa ra.

SEA Games 29, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thua sốc trước Indonesia, lần đầu tiên sau nhiều năm liền không vào được chung kết. Đây là một trong những cú ngã đau nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 29. Với hành động chỉ trích HLV Mai Đức Chung, người ta nói ông Lê Văn Thành mang thói quen ở môn bóng chuyền sang làm bóng đá.

Nhắc chuyện này không thể nói tới HLV Nguyễn Hữu Thắng và đội tuyển U22 Việt Nam. Khi ký hợp đồng với VFF, yêu cầu đầu tiên ông Thắng đưa ra là phải được toàn quyền chuyên môn, từ triệu tập cầu thủ tới xây dựng lối chơi, lựa chọn chiến thuật…VFF chấp thuận. Thực tế đòi hỏi của HLV Nguyễn Hữu Thắng là chuyện đương nhiên trong bóng đá, ta hay tây cũng vậy, và VFF cũng không có quyền năng để từ chối. Ấy vậy nhưng sau khi U22 Việt Nam thất bại trước Thái Lan, không ít chuyên gia lên tiếng chỉ trích VFF vì đã…không chỉ đạo sách lược của đội tuyển U22 Việt Nam cho HLV Nguyễn Hữu Thắng (!?) Chuyên gia gì mà kỳ vậy?

Nói gở miệng, khi đội tuyển thua trận thì ai là người trực tiếp đầu tiên chịu trách nhiệm về chuyên môn của đội nếu không phải HLV Hữu Thắng trước đây, hoặc ông Mai Đức Chung sắp tới? Hãy để họ, nếu phải ra đi (như trường hợp HLV Nguyễn Hữu Thắng), cũng thoải mái với quyết định của chính mình.

Người ngoài có thể không rành, nhưng trong giới lại chẳng lạ. Thất bại của U22 Việt Nam, tuyên bố từ chức của HLV Hữu Thắng và bầu Đức đang được sử dụng như công cụ phục vụ cho những động cơ cá nhân. Tuy nhiên, “đánh nhau” như thế nào cũng cần tuân thủ những nguyên tắc căn bản của bóng đá. Bóng đá Việt Nam có thể còn nhiều vấn đề tồn tại, cần cải tổ, nhưng cũng đâu thể phát triển được bằng chỉ trích, “đấu tố’ vì động cơ cá nhân.

MỚI - NÓNG