Bóng đá và ông chủ tịch

TP - Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 8 những ngày qua đang nóng lên bởi cuộc đua tranh của các ứng viên vị trí chủ tịch. 

 Đương kim chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ nghỉ, và việc chọn ai thay thế vị trí ông Dũng để lại đang trở thành vấn đề khiến ngành thể thao đau đầu. Cho đến thời điểm hiện tại, có 4 ứng viên đã được giới thiệu ra tranh cử cho vị trí chủ tịch VFF, gồm: Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Công Khế, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT 2 (Tp Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng và Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn.

Mỗi người có một lợi thế riêng, nhưng theo đánh giá, chưa ai thực sự đạt tầm chủ tịch như mong muốn ngành thể thao và giới bóng đá đặt ra. Chủ tịch VFF phải là người đủ tài năng và uy tín để quy tụ được số đông những người có năng lực, từ đó giúp bóng đá Việt Nam có thể “cất cánh” dựa trên nền tảng bóng đá trẻ đang được làm rất tốt từ cấp CLB đến các đội tuyển.

Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đang là ứng viên được nhiều CLB tín nhiệm, lý do lớn nhất bởi so với phần còn lại, ông Tuấn có kinh nghiệm, thạo việc và lại có quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế, từ AFF đến AFC hay FIFA. Nhưng chỉ mình ông Trần Quốc Tuấn là chưa đủ, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam luôn dư thừa chỉ trích nhưng lại thiếu người làm.

Nhìn vào danh sách các ứng viên hiện thời, một nỗi lo khác dễ thấy là hầu hết đều đã tới tuổi nghỉ hưu. Có lẽ không phải bỗng nhiên, nhà nước đặt ra quy định về độ tuổi hồi viên với quan chức. Chưa nói tới vấn đề sức khoẻ, một người đã về hưu, không còn chịu sự ràng buộc nào, cả trách nhiệm cũng như về mặt quản lý nhà nước, liệu có đủ nhiệt tâm và động lực để cống hiến những gì tốt nhất cho bóng đá Việt Nam?

MỚI - NÓNG