“Khó quên bác sĩ Thu Hà năm xưa”
“Xuân ơi. Ráng lên, chịu khó nằm đây nghe em”- chị Hà vén lọn tóc con rịt mồ hôi trên má cô du kích. Xuân bị chấn thương cột sống, buộc phải nằm cố định trên băng ca. Chị Hà giấu Xuân dưới bụi rậm. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1942, quê Quảng Nam) khi ấy là bác sĩ duy nhất của bệnh xá Quế Sơn. Sống giữa lòng địch, bệnh xá vỏn vẹn 18 cán bộ. Chỉ là bệnh viện dân y, nhưng dưới mấy chục hầm bò chật màu áo lính.
“Tương, để chị cõng”- chị Hà khòng lưng cõng Tương, chân cô vừa lấy ra mảnh đạn cuối. Lẩy bẩy chân bám đá, chị vác từng chiến sĩ lao đi… 17 chị em và gần 100 bệnh nhân đã vào hết hang đá.
Từ sớm tinh mơ, đã nghe tiếng súng Mỹ ngoài bìa rừng. Đến trưa, bụi rậm héo trụi, không giấu nổi Xuân nữa. Chúng đã ở sát hông rồi. Xuân chẳng nghe thấy. Lính Mỹ tiến gần hang, chúng ném chùm lựu đạn cầu âu. Không có tiếng động đáp trả, toán lính bỏ đi. Nhưng Xuân chẳng còn nữa, cả bệnh xá tan hoang. Cả những em y tá thân thương Phi Yến, cả Trần Thị Kim và các em khác nữa, cũng vĩnh viễn ra đi…
Ngày đi B, ba lô chị gọn lỏn 3 bộ đồ. Hai bộ trong ba lô đương còn thơm mùi nắng đã bị đốt dạo Mỹ thả mìn. Chị Hà chỉ còn độc một bộ trên người. Đợi đêm xuống, chị mới dám ra suối tắm. Tháng giáp Tết, rét cắt da cắt thịt, mưa phùn phả xuống đỉnh đầu, tê tái. Lửa bếp Yến để phần, chị co ro hong quần áo trên người. Nỗi nhớ Hà Nội bỗng ngập đầy trong đốm lửa... Tuổi thanh xuân của chị là nhịp nhàng nắng đáp trên ô cửa ký túc Khương Thượng. Chị tưởng mình còn là cô sinh viên chiều mát dạo quanh phố cổ rồi về xơi bát cơm độn sắn, nghe Liên và Hang nghêu ngao. Ngày mới vào Nam, chị nhớ quay quắt mùi thoang thoảng từ chậu chùm bồ kết mẹ nấu gội đầu mỗi cuối tuần về thăm nhà…
Năm 1952, từ quê hương Điện Bàn, Quảng Nam, cô bé Thu Hà khi ấy 10 tuổi theo cha mẹ là những trí thức vượt Trường Sơn ra Hải Phòng tập kết. Năm tiểu học, nằm trong đội danh dự của trường, cô gái nhỏ đã 3 lần được gặp Bác Hồ. “Bác hỏi chúng tôi ăn có no không, có ngon miệng không. Chỉ vậy thôi mà làm tôi không sao quên được”, bác sĩ Thu Hà bồi hồi nhớ lại.
Năm 1960, Thu Hà đậu Đại học Y Hà Nội. Đặng Thùy Trâm và chị học chung khóa. Trâm hiền lắm, chị thích đôi bím tóc Trâm đung đưa mỗi chiều hai đứa đạp xe trên cầu Long Biên hóng gió. Mùa Hà Nội lập đông, gió đuổi trên giảng đường. Đêm dưới phòng trực chuyên khoa, Trâm và chị tỉ mẩn đan mấy chiếc áo len bằng sợi thô, lặng nghe tiếng mưa gõ xuống lan can. Thùy Trâm ngày ấy yêu một anh nhà thơ miền Nam. Chuyện tình lãng mạn không đầu đuôi Trâm hay kể, chị thuộc lòng. Năm nhất, chị và Trâm cùng ở trong dàn hợp xướng của trường. Trâm lãnh xướng, chị đi bè. Những buổi chiều sau giờ học, Trâm đèo chị lọc cọc xe đạp đi tập hát ở “lò” của các anh bên đoàn văn công ca nhạc Nguyễn Văn Thương. Hội diễn văn nghệ quần chúng, trường Y năm đó đạt giải nhất.
Trước ngày nhận nhiệm vụ, chị thấy lòng chẳng lấn cấn chi. Sáng hồ hởi rời bể tập bơi, chiều lại về ê a tiếng Anh. Sáng ra quân, mẹ và chị Nhị không khóc. Chị đi, lòng nhẹ. Năm 1966, cùng với bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chuyến hành quân 3 tháng 10 ngày đưa chị vào đến Bệnh xá Tiên Lãnh, Tiên Phước (Quảng Nam). “Nhưng tôi cũng không dừng chân mình ở đây. Năm 1968, bác sĩ Hoàng Vân, Trưởng bệnh xá Quế Sơn đã hi sinh khi đang giảng bài cho các thực tập sinh. Tôi đã xin cho được về đó. Viết tiếp những ấp ủ trong anh”- Chị thương anh đương dở dang bài giảng, chẳng kịp từ biệt đồng đội. Chị hận bom Mỹ giết sạch gia đình anh, chẳng chừa một ai. Không chỉ bác sĩ Hoàng Vân, mà cả hai bác sĩ Bệnh xá trưởng Quế Sơn cũng lần lượt hy sinh trước đó. “Tôi thuyết phục cấp trên chuyển Bệnh xá về vùng Trung Quế Sơn cho thuận tiện việc cấp cứu và chăm sóc thương binh. Nơi đó nhiều hang động, thuận tiện cứu chữa”.
Rồi buổi trưa sau chùm lựu đạn của lính Mỹ ấy, chỉ còn thấy mỗi y tá Thúy Lưu men theo suối trở về. Chị ôm Lưu, thấm nỗi đau mà không thể nào khóc nổi…
Quế Sơn thăm thẳm, nằm trong lòng địch. Có đợt chị ốm nặng lắm. Các em hò nhau kéo ra suối bắt cá, lặt vài khóm lá mứa về nấu canh chua để “chị ăn đỡ lạt miệng”. Chị thương các em như thương chị Nhị một mình ở nhà… Một tuần một lần, các y tá phải nhận tiếp tế từ đường Trường Sơn. Đôi vai chị gầy nhỏ, hơn 8 năm cõng thuốc trên lưng, cõng cơm cõng gạo, băng suối, băng đèo.
“Quế Sơn ai đã đi qua/Khó quên bác sĩ Thu Hà năm xưa”
Các anh ở chiến trường Quảng Nam thương sao mà thương cái dáng liêu xiêu chạy trên triền núi. Bông cúc trắng Thu Hà mỏng mảnh giữa rừng lửa, nghe can trường chạy dọc đôi chân.
Bác sĩ Thu Hà (thứ 2 bên phải sang) trong vòng tay của các y tá, bạn bè xưa ở Bệnh xá Quế Sơn.
Ðám cưới giữa họng súng và tình yêu không tuổi
“Chúng mình cưới nhau em nghe… Đám cưới thời lính, anh chẳng cho em được gì. Thôi thì nhờ đồng đội…” - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 vóc dáng cao lớn quê Bình Sơn (Quảng Ngãi) Vũ Đình Nã đặt bàn tay nhỏ xíu của chị vào tay mình. Lời cầu hôn không nhẫn, không nến, chỉ long lanh trong mắt chị nụ cười hiền, khuôn măt sâu đậm tin yêu…
Chị gặp anh khi anh trên đường trinh sát địch ngang qua bệnh xá tham mưu. Để rồi nữ bác sĩ da diết tương tư với những dòng nhật ký. “Tôi không biết là anh cũng thầm mến tôi. Ngày ấy, anh chẳng thư từ gì qua lại. Đến giờ tôi mới biết là anh nhờ các anh công vụ ghé qua xem tôi thế nào, có khỏe không rồi về báo cáo”- chị Hà, nay phải gọi là “bà Hà” đã 76 tuổi siết tay chồng, mắt cười rạng rỡ. Sau này, anh trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) - Sư đoàn lừng lẫy khắp các mặt trận.
Đã gần 50 năm, tiếng anh-em, vợ chồng chị vẫn trìu mến. Đã gần 50 năm, mà tình yêu chẳng bị thay thế bằng nghĩa vụ. Cái nút áo chồng cài dở, chị đỡ tay, đôi chân chồng liêu xiêu, chị làm nạng. Thực ra, tình yêu có là gì đâu. Càng đơn thuần, sẽ càng hạnh phúc.
Đám cưới Sư trưởng và Trưởng Bệnh xá to nhất chiến khu Quảng Nam thời ấy. Cô dâu không áo cưới, chú rể không y phục, nụ cười nở mãi, lấp lánh như sao hôm… n
Giờ đây, hạnh phúc vợ chồng vị Ðại tá Sư trưởng Vũ Ðình Nã 87 tuổi cùng vợ bác sĩ 76 tuổi Nguyễn Thị Thu Hà vẫn ấm áp trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Từ chối ngôi nhà quân đội cấp giữa trung tâm thành phố Nha Trang, hai ông bà cũng là hai thương binh về đây sống đời sống tằn tiện và yên vui với xóm làng.