Nghỉ nhiều - tai nạn nhiều
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, năm nào cũng nói tăng cường, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) mỗi dịp Tết vẫn tăng. “Năm nào nghe tới nghỉ Tết dài ngày lại lo, vì nghỉ dài ngày TNGT lại nhiều hơn”, ông Thạch nói.
Về chế tài xử phạt vi phạm giao thông, Vụ trưởng An toàn Giao thông cho rằng, pháp luật luôn phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tế xã hội. Thực thi luật lại phụ thuộc vào CSGT, và một phần là thanh tra giao thông. Dù CSGT đã trang bị camera xử phạt nguội, nhưng mới áp dụng với ô tô, xe máy chưa thực hiện. “Với chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, khi xây dựng luật cũng đưa ra quy định cấm uống rượu bia với cả lái xe máy, và phạt nặng với lái ô tô. Tuy nhiên, khi đưa luật ra Quốc hội còn nhiều ý kiến trái chiều, nên mức phạt điều chỉnh giảm so với dự thảo”, ông Thạch nói. Theo đó, lái xe máy nếu dùng ít rượu bia vẫn chưa bị phạt, còn ô tô mức phạt cũng giảm so với đề xuất. Do đó, giờ muốn nâng mức phạt phải đợi sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính.
Với đào tạo, sát hạch lái xe, theo ông Thạch, dù chưa thể nói 100% đều tốt, nhưng đã hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình sát hạch, và tới đây cũng sửa đổi để quá trình đào tạo nghiêm hơn. Ông Thạch cũng thừa nhận thực tế, phương tiện cá nhân tăng, nhưng hiện chỉ đăng kiểm chất lượng với ô tô, còn xe máy vừa rồi định kiểm định khí thải, nhưng có vẻ dư luận không đồng tình, nên khó thực hiện.
Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, trước và trong dịp Tết Dương lịch 2019 đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo ATGT, ngăn ngừa TNGT. Chính phủ có công điện chỉ đạo, các ngành chức năng đều vào cuộc quyết liệt, tăng cường lực lượng, tăng cường kiểm tra, tăng cường xử phạt, tăng cường tuyên truyền... nhưng TNGT vẫn nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, số người chết do TNGT dịp Tết vừa qua vẫn cao hơn ngày thường và tăng so với cùng kỳ năm trước. “Điều này do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa cao, trong khi mật độ phương tiện đợt nghỉ Tết tăng rất cao. Các vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ, lấn đường vượt ẩu, lái xe sau khi uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm...”, ông Hùng lý giải.
Hàng chục số đường dây nóng
Như nhiều năm trước, năm nay các đơn vị chức năng cũng công bố số đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình giao thông, với hàng chục số điện thoại, nhưng chỉ lác đác vài phản ánh. Chỉ tính đường dây nóng của các cơ quan trung ương đã có tới 13 số, gồm của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, Cục CSGT... Tuy vậy, số lượng phản ánh không nhiều. Như đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia trong 4 ngày Tết Dương lịch chỉ nhận được 81 phản ánh (bình quân mỗi ngày 20,2 phản ánh), chủ yếu phản ánh xe khách vi phạm và tắc đường.
Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết, số đường dây nóng của đơn vị dịp Tết vừa qua cũng chỉ nhận được khoảng 5-7 phản ánh mỗi ngày. Theo ông Thạch, hiện mỗi đơn vị có một đường dây nóng riêng và xử lý theo hệ thống của mình, ông cũng không nắm được các số đường dây nóng khác hoạt động thế nào. Với Vụ ATGT, khi nhận phản ánh sẽ chuyển cho Thanh tra Bộ, hoặc Tổng cục Đường bộ, từ đây chuyển về các Cục Quản lý đường bộ chuyển thanh tra để xử lý. Trường hợp ngoài khả năng sẽ chuyển sang Ủy ban ATGT Quốc gia để chỉ đạo phối hợp lực lượng khác xử lý. Cũng có trường hợp nhận phản ánh nhưng không phải tuyến đường nào cũng có lực lượng để xử lý. “Hiện Ủy ban ATGT Quốc gia đang xây dựng quy chế về đường dây nóng tiếp nhận phản ánh giao thông của các cơ quan, để thống nhất, phối hợp xử lý. Hy vọng khi đó đường dây nóng sẽ hoạt động hiệu quả hơn”, ông Thạch nói.
Chỉ còn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, tình hình trật tự ATGT sẽ diễn biến phức tạp, do nghỉ dài ngày, nhu cầu đi lại tăng cao. Do vậy, cơ quan này đề nghị các bộ ngành liên quan, các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng. Đặc biệt lưu ý tới vận tải hành khách, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng đồ cồn, không đội mũ bảo hiểm; tuyên truyền vận động người dân tự giác chấp hành quy tắc giao thông...
Xe gây tai nạn tại Long An chạy chậm, còn hạn đăng kiểm
Liên quan tới vụ xe container đâm liên hoàn nhiều xe máy tại Long An chiều 2/1, theo Tổng cục Ðường bộ, trích xuất hộp đen xe container BKS 62C - 04348, thời điểm xảy ra tai nạn chạy với tốc độ 45 km/giờ (thấp hơn tốc độ tối đa cho phép với đoạn đường này).
Còn theo Cục Ðăng kiểm, xe container gây tai nạn kiểm định lần gần nhất ngày 30/3/2018, hạn kiểm định đến 29/3/2019. Xe nhãn hiệu Hyundai, sản xuất năm 2015 tại Hàn Quốc. Chủ xe theo giấy đăng ký là Cty TNHH Thạnh Ðức (xã Thạnh Ðức, Bến Lức, Long An).
Ngay chiều 2/1, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện Bộ GTVT trực tiếp vào hiện trường thăm hỏi các nạn nhân, chỉ đạo xử lý vụ tai nạn.
Trước đó, khoảng 15h chiều 2/1, xe container BKS 62C - 04348 chạy hướng Long An đi TPHCM, khi đến ngã tư Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An) đã đâm và kéo rê nhiều người đứng chờ đèn đỏ. Hậu quả, 4 người chết, 18 người bị thương.
LÊ HỮU VIỆT - NGÔ BÌNH
Lái xe taxi uống rượu bia gây tai nạn kinh hoàng
Vụ tai nạn xảy ra khuya 1/1 trên Quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng khiến 3 người chết, 4 người bị thương.
Taxi do tài xế Đỗ Thục Hân điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 20 theo hướng Đức Trọng - Di Linh. taxi tông vào xe máy do anh Nguyễn Văn Huy điều khiển lưu thông cùng chiều, tiếp tục tông vào cây xanh bên đường.
Trên xe taxi có 6 người thì có 3 người chết đó là: Nguyễn Xuân Phi (38 tuổi, trú tỉnh Long An); Lê Văn Cường (23 tuổi) và Lê Kim Thành Tuấn (30 tuổi) cùng trú tại huyện Đức Trọng. 3 người khác trên xe taxi gồm tài xế Hân bị chấn thương vùng bụng, Hồ Trọng Hùng (23 tuổi) đa chấn thương và Nguyễn Ngọc Hồng Lụa (23 tuổi) bị thương nhẹ. Anh Huy, bị chấn thương sọ não.
Theo Ban ATGT Đức Trọng, nồng độ cồn của lái xe taxi là 1.108mg/l.
KIM ANH
Trả lời Tiền Phong chiều 2/1, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân các vụ TNGT dịp Tết dương lịch đa phần do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, như: Vi phạm quy định, chạy quá tốc độ, lấn làn, vi phạm nồng độ cồn... Lãnh đạo này cũng thừa nhận, hiện một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông có mức phạt chưa tương xứng, nên thời gian tới sẽ kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh.