Trong lịch sử phát triển, không quân chiến lược Nga đã chuyển dần từ nhiệm vụ ném bom trên lãnh thổ đối phương sang triển khai tên lửa hành trình từ tầm xa. Các phi đội oanh tạc cơ chiến lược Nga thường được trang bị các loại tên lửa hiện đại, có uy lực mạnh, đủ sức đe dọa những mục tiêu được bảo vệ tốt nhất thế giới, theo Sputnik.
Tên lửa đạn đạo Kh-15
Tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay Kh-15 được Liên Xô biên chế vào năm 1980, nhằm đáp trả sự xuất hiện của tên lửa AGM-69 SRAM trong không quân Mỹ. Cả hai loại tên lửa này đều có chung nhiệm vụ xuyên thủng lưới phòng không đối phương để tấn công mục tiêu mặt đất.
Dòng Kh-15 được thiết kế riêng cho bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Liên Xô gồm Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160. Mỗi quả đạn có tầm bắn tối đa 300 km, trang bị đầu đạn hạt nhân 300 kiloton, tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT, trước khi được bổ sung biến thể dùng đầu đạn thông thường. Tên lửa AGM-69 SRAM của Mỹ có tầm bắn 200 km và chỉ sử dụng đầu đạn hạt nhân.
Một trong những đặc điểm riêng của Kh-15 chính là quỹ đạo bay đặc biệt. Quả đạn thường được phóng từ cách mục tiêu 50-280 km, sau đó bay lên độ cao 40 km và bổ nhào xuống mục tiêu với tốc độ tới 6.175 km/h, gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Điều này biến Kh-15 thành tên lửa phóng từ máy bay có tốc độ cao nhất mọi thời đại.
Nhược điểm chính của vũ khí này là tầm bắn ngắn, buộc oanh tạc cơ phải tiến vào tầm đánh chặn của tiêm kích hoặc tên lửa phòng không đối phương trước khi khai hỏa tên lửa, gây rủi ro rất lớn cho phi công thực hiện nhiệm vụ.
Từ nền tảng Kh-15, các nhà phát triển Liên Xô và Nga đã chế tạo biến thể Kh-15P diệt radar và Kh-15S chống hạm. Mỗi oanh tạc cơ Tu-160 có thể mang tới 24 quả Kh-15S trong nhiệm vụ chống hạm, đủ sức đe dọa một biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Tên lửa hành trình chống hạm Kh-32
Tên lửa hành trình chống hạm Kh-32 là phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng Kh-22 ra đời từ thời Liên Xô.
Kh-22 có nhiệm vụ hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, dựa vào tốc độ lớn, đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh 350-1.000 kiloton. Dòng Kh-22 là vũ khí chính của oanh tạc cơ Tu-22M2/M3, cũng có thể trang bị cho máy bay Tu-16K, Tu-22K và Tu-95K, với tầm bắn tới 600 km. Học thuyết Liên Xô quy định mỗi nhiệm vụ tấn công nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ cần tới 80 máy bay, bảo đảm chọc thủng ô phòng không từ biên đội tàu hộ tống và hủy diệt hoàn toàn mục tiêu.
Tuy nhiên, dòng Kh-22 có nhiều nhược điểm, nhất là khả năng kháng nhiễu kém. Kế hoạch hiện đại hóa mẫu Kh-22 bị hủy bỏ khi Liên Xô tan rã và nước Nga sau đó lâm vào khủng hoảng kinh tế.
Tới năm 2013, Nga bắt đầu việc phát triển tên lửa Kh-32 và hiện đại hóa oanh tạc cơ Tu-22M3. Kh-32 được trang bị radar và hệ thống dẫn đường quán tính mới, tăng cường khả năng kháng nhiễu, mang được nhiều nhiên liệu và sử dụng động cơ mạnh hơn.
Loại tên lửa này có thể đạt tầm bắn 1.000 km và tốc độ tối đa 5.060 km/h, được lắp đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Không quân chiến lược Nga bắt đầu biên chế Kh-32 từ năm 2016.
Tên lửa hành trình Kh-555
Nga phát triển tên lửa hành trình Kh-555 vào đầu thế kỷ 21, nhằm thay thế mẫu Kh-55 và Kh-55SM biên chế từ thập niên 1980. Kh-55 có tầm bắn 2.500-3.000 km, mang đầu đạn hạt nhân mạnh tới 500 kiloton, cung cấp vũ khí đầy uy lực cho phi đội Tu-95MS và Tu-160, cho phép chúng tấn công mục tiêu từ ngoài tầm đánh chặn của mọi tổ hợp phòng không đối phương.
Dòng Kh-55 có khả năng bay bám địa hình ở độ cao cực nhỏ và cơ động liên tục để tránh bị phát hiện cũng như bắn hạ. Biến thể Kh-555 bổ sung thêm nhiều công nghệ tối tân để xuyên thủng những lá chắn tên lửa mới nhất trong thập niên 2000. Nó được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh và đầu dò quang - điện tử, cho phép tăng độ chính xác tới 5 lần so với mẫu Kh-55 nguyên gốc.
Mẫu Kh-555 cũng được lắp đầu nổ mạnh nặng 410 kg, bên cạnh tùy chọn đầu đạn hạt nhân. Đầu đạn thông thường cho phép Kh-555 tấn công nhiều mục tiêu chiến thuật, không thể sử dụng đầu đạn hạt nhân, như vị trí đóng quân của các nhóm khủng bố.
Việc lắp đầu đạn mới khiến tầm bắn của Kh-555 giảm xuống 2.000 km. Tuy nhiên, khi được lắp thùng dầu phụ bên ngoài, nó có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km.
Tên lửa hành trình Kh-101
Tên lửa hành trình Kh-101 là bản nâng cấp sâu từ dòng Kh-55, đóng vai trò là "át chủ bài" của không quân chiến lược Nga hiện nay. Nó dự kiến thay thế toàn bộ kho tên lửa Kh-555, trở thành vũ khí chính của oanh tạc cơ Tu-160M/M2 và Tu-95MSM.
Kh-101 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh. Kíp lái oanh tạc cơ có thể thay đổi mục tiêu và đường bay quả đạn sau khi phóng. Tên lửa đạt tầm bắn tới 5.000 km, đủ sức đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 5 m.
Tính năng của tên lửa Kh-101. Bấm vào ảnh để xem bản đầy đủ.
Tên lửa được trang bị một động cơ turbine phản lực TRDD-50A, cho phép chúng bay hành trình với vận tốc 700 km/h, sau đó lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mỗi tên lửa Kh-101 được trang bị đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm, trong khi Kh-102 sử dụng đầu đạn hạt nhân có sức công phá 250 kt.
Mỗi chiếc Tu-95 có thể mang 8 quả đạn, trong khi oanh tạc cơ Tu-160 đủ sức triển khai 12 tên lửa trong mỗi lần xuất kích. Cả dòng Kh-555 và Kh-101 đều được sử dụng trong chiến dịch quân sự của Nga chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.