Bộn bề nỗi lo ngày nhập trường

Bộn bề nỗi lo ngày nhập trường
TP - Ông Đặng Văn Hiền (Mỹ Tân, Nam Định) kể, vừa vào năm học mới đã ngỡ ngàng trước món quà con gái tặng. Đó là giấy gọi nhập trường đại học (ĐH) với khoản đóng góp đầu tay lên tới 10,7 triệu đồng khiến ông “choáng váng”.

> Nghệ An: Gần 2,5 tỷ đồng tặng thưởng học sinh giỏi

Bởi đây là số tiền không nhỏ nếu so với mức lương vệ sỹ khiêm tốn và khoản lương eo hẹp của bà vợ đã về hưu. Theo ông Hiền, tới đây có thể gia đình ông sẽ tính đến việc vay theo hình thức trợ giúp sinh viên nghèo với 0,6%/năm (số tiền được vay là 11 triệu/năm). Người cha cũng ái ngại khi tính đến các khoản chi tiêu khác từ nhà trọ đến ăn ở của con...

Ngay tại phường Vĩnh Tuy (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thơm, cũng không khỏi ưu tư vì sau khi chăm lo 12 năm đèn sách cho con, chờ đến ngày hái quả, con gái bà thi được 23 điểm vẫn không đủ vào ngành mong muốn. Hiện, người mẹ vẫn đang đứng trước một “núi lo” khi phải chờ con được xét tuyển vào một ngành khác. Ngoài 3,1 triệu đồng đóng góp đầu năm học mới, với thu nhập lương công nhân Công ty bánh kẹo Hải Châu bà Thơm còn băn khoăn hơn khi tính đến khoản tiền phải bỏ ra để sắm cho con một chiếc xe máy…

Ông Cường, một phụ huynh đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương nhận xét: 3,1 triệu đồng đóng góp đầu năm cho con ở trường đại học là một khoản tiền không cao so với nhiều trường. Nhưng băn khoăn hơn cả là con gái phải thuê nhà ở với giá 2 triệu đồng/tháng (3 người ở). Đây mới là chi phí lớn.

Trường “khát” sắm trang thiết bị

Vào năm học mới, theo ông Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN), nhà trường đã dành nhiều tỷ đồng, tập trung vào sửa sang giảng đường, mua sắm những thiết bị phục vụ giảng đường như máy chiếu, máy tính. Về sự chuẩn bị cho năm học mới, ông Dư nói, như ĐHKH Tự nhiên là thành viên của ĐHQG cũng cần có thêm sân tập đa năng, sân bóng nhưng đó chỉ là ước mơ! “Mong muốn lớn nhất của nhà quản lý như tôi, là có được ngôi trường đúng là trường, đội ngũ đúng là đội ngũ, cơ sở học liệu đúng cơ sở học liệu” - Ông Dư nói.

Trước thềm năm học, ĐH Thăng Long làm 5-6 phòng học mới với hơn 100 máy tính để giúp sinh viên học online và 3 phòng để sinh viên tự học và thảo luận khoa học.

Ngoài ra, trường này còn làm 1 phòng gym để sinh viên rèn luyện thể chất và mua sắm thiết bị làm phòng thực hành điều dưỡng và y tế công cộng; mua thiết bị mới thay thế thiết bị cũ... trị giá 3-4 tỷ đồng.

Ông Phan Hữu Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long cắt nghĩa việc có những trường đầu tư nhiều nhưng không thu hút được người học là do sinh viên ra trường chưa có công ăn việc làm nên chưa được niềm tin ở người học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG