Body painting: Mong manh ranh giới nghệ thuật và khiêu dâm

Body painting: Mong manh ranh giới nghệ thuật và khiêu dâm
TP - Cũng nhờ câu chuyện đang tốn nhiều bút mực của báo chí và sự quan tâm của dư luận: Người mẫu tố họa sỹ hiếp dâm, mà body painting bỗng nhiên được nhiều người để ý.

Một số người băn khoăn: Có ở đâu như ở Việt Nam, body painting lại được thực hiện trong khách sạn chỉ giữa hai nhân vật chính với nhau? Phải chăng, điều này cũng phần nào nói lên cái sự ưa “sống ngầm”, cái thân phận bị dò xét, chưa được thoải mái chấp nhận của body painting Việt?

Cuộc tranh luận body painting có phải là một loại hình nghệ thuật đích thực hay không, chắc còn dai dẳng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu body painting ở nước ngoài đã tiến những bước tiến xa, với những bộ ảnh chứa thông điệp rõ ràng, được công chúng đón nhận nồng nhiệt thì body painting ở ta chỉ đang tồn tại như một “dạng học đòi”, mới đang ở ngưỡng tả thực sơ khai.

Ngay nhân vật đang nổi đình đám vì bị tố hiếp dâm, cách đây gần 4 năm, đã từng thú nhận: “Họa sỹ body painting ở Việt Nam chưa thể tạo nên những bức hình thực sự ấn tượng và truyền tải một cách sâu sắc những thông điệp muốn nói. Sự thiếu thốn và cả những rào cản khắt khe của xã hội khiến body painting ở Việt Nam rất cần nhiều thời gian nữa để phát triển đúng hướng”.

Thế nhưng body painting chưa phát triển đến đâu thì đã bị ngay chiến dịch “Me Too” tấn công, ít nhiều  góp phần làm mong manh thêm ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm của cuộc chơi được coi là “xăm mình tạm thời” này.

Nhân vụ người mẫu tố họa sỹ kiêm kiến trúc sư hiếp dâm, vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng lên tiếng, nói rõ ràng họa sỹ kiêm kiến trúc sư nọ không phải hội viên của Hội nên Hội không dính dáng đến scandal đó. Nhân tiện ông cũng bày tỏ quan điểm về body painting.

Chỉ có điều, quan điểm của ông khiến không ít người có cái nhìn mở hơi choáng: “Tôi không thích nên tôi không bao giờ xem và để ý. Vẽ đâu không vẽ lại vẽ trên người rồi xóa đi”. (Vẽ tranh trên cát chẳng hạn, không có tính sexy,  liệu có nhận được sự tán đồng của lãnh đạo Hội?) Tất nhiên với cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ông cũng thêm vài câu “ngoại giao”: “Tôi không thích nhưng vẫn ủng hộ anh em. Một xu hướng nghệ thuật của thế giới thì anh em làm được gì cứ để họ làm thôi. Nhưng phải làm đúng, làm hay”.

Song biết thế nào là “làm đúng, làm hay”, khi chính ông đã khẳng định không bao giờ xem thứ vẽ trên người ấy? Vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiên đoán tương lai của body painting: “Nếu là trào lưu thì có lúc phát triển rầm rộ xong rồi lại thôi. Trước đây, trào lưu nghệ thuật sắp đặt, trình diễn cũng rầm rộ lên một thời gian nhưng giờ thì im lìm hẳn, không mấy ai quan tâm nữa…”.

Thế mới hiểu vì sao body painting Việt chỉ lọ mọ ở thứ hạng “học đòi” người ta, chẳng tiến bộ nổi. Chỉ tội giới trẻ, bất chấp mọi sự không ưa của dư luận, họ càng ngày càng bị body painting lôi cuốn.

MỚI - NÓNG