Ma trận mỹ phẩm giả

Bóc mẽ chiêu làm giả mỹ phẩm

TP - Dù lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường do lợi nhuận bất chính thu về từ việc kinh doanh mặt hàng này rất lớn.

Hàng xịn giá “bèo”

Chiều 5/9, trước cổng khu công nghiệp Tân Bình (Q. Tân Bình), một nhóm thanh niên trưng lỉnh kỉnh nào xà bông, kem trang điểm… thu hút rất đông công nhân sau giờ tan ca. Tất cả mỹ phẩm này đều có giá “bèo”, chỉ vài chục ngàn đồng là có ngay một hũ kem dưỡng da ngoại to sụ. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… thì hầu như không có. Người bán hàng lý sự: “Hàng ngoại, tất cả thông tin cần thiết đều có ở bao bì. Nhưng để đem được về VN thì mình phải bỏ hộp, chỉ đem “ruột” thôi, như vậy mới không phải đóng thuế, bán giá rẻ cho chị em sử dụng”.

Tại chợ Bình Hưng Hòa (Q. Bình Tân), mỹ phẩm chất đống, loại nào cũng có đồng giá 10.000 đồng luôn thu hút đông người mua. Thử chọn một loại son môi không bao bì, ướt nhẹp chứ không khô như những loại son môi khác. Người bán hàng đon đả: “Son Hàn Quốc đó em, tô cả ngày cũng không trôi. Em thích hộp của hãng nào chị đưa cho”.

Bóc mẽ chiêu làm giả mỹ phẩm ảnh 1 Mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc… thường tập trung ở nơi đông công nhân.

Liên hệ với P. - một đầu nậu chuyên phân phối mỹ phẩm giá rẻ, người này chỉ tôi cách kinh doanh mỹ phẩm “một vốn mười lời” rất đơn giản, chỉ cần cho biết số lượng, đặt cọc trước 50%, chỉ vài ngày sau sẽ cung cấp theo yêu cầu. Lo sợ cơ quan chức năng “sờ gáy” vì kinh doanh hàng giả, P. trấn an: “Úi giời, khoản này chị cứ yên tâm, tôi cung cấp hàng cho nhiều quầy sạp ở khắp các tỉnh thành từ Nam tới Bắc nên kinh nghiệm lắm. Khi bán hàng, mình chỉ để một ít trên quầy kệ, khi có khách mới cho người về kho lấy. Chị muốn làm giả mỹ phẩm hãng nào, tôi đều làm giống thật tới 99%. Thậm chí, tôi còn cung cấp đặt cả tem chống giả giống hệt sản phẩm chính hãng để chị dán lên sản phẩm. Hơn nữa, chị nên đem hàng về quê, nơi có đông công nhân, sinh viên sẽ rất dễ bán hàng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khác khiến cho mỹ phẩm giả còn tràn lan là lợi dụng việc cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất (cơ quan quản lý không khảo sát, không thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó), dẫn đến việc các cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhỏ lẻ ra đời ồ ạt.

Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả lợi dụng mạng xã hội để rao bán trên các shop bán hàng trực tuyến, khách đặt mua được giao hàng tận nơi, nên lực lượng chức năng càng khó kiểm soát. Do lợi nhuận thu về từ kinh doanh mỹ phẩm giả quá lớn, nên tỷ lệ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tái phạm có xu hướng tăng.

Mức xử phạt không đủ răn đe

Theo Chi cục QLTT TPHCM, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp mỹ phẩm giả, dỏm, không rõ xuất xứ nguồn gốc chủ yếu dựa vào các thủ tục giấy tờ. Bởi lẽ, theo quy định, trách nhiệm quản lý mỹ phẩm thuộc về ngành Y tế. Chính vì thế, đôi lúc việc phối hợp kiểm tra chưa được đồng bộ và thống nhất. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt từ 500.000 đồng - 120 triệu đồng đối với kinh doanh hàng giả, giá trị hàng trên 30 triệu là đã có thể khởi tố hình sự. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào bị khởi tố.

Những sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, hàng giả và các mỹ phẩm kém chất lượng đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, khi các kết quả của cơ quan kiểm nghiệm đều cho thấy các loại này có chứa độc chất corticoid hay các hóa chất nguy hại khác. Thế nhưng, cơ quan chức năng khó mà kiểm soát hoặc nếu có cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”. Hiện nay, mỹ phẩm bị thu hồi đã được đăng trên trang web Sở Y tế và thông báo đến UBND các quận, huyện cũng như các công ty để phối hợp kiểm tra. Nhưng làm như vậy, người dân vẫn mù tịt thông tin, các công ty vi phạm vẫn tiếp tục tung hàng ra sạp, cửa hàng. Theo các chuyên gia y tế, hiện việc quản lý mỹ phẩm đang có những lỗ hổng rất lớn. “Mặc dù Thông tư 06/2011 quy định chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố, nhưng đâu phải cơ sở nào cũng tuân thủ” - một chuyên gia y tế nói.

Theo quy định, nếu ban kiểm tra liên ngành ra quân xử phạt thì mức cao nhất áp dụng cho đối tượng vi phạm hàng nhái là xử phạt hành chính. Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, việc xử phạt hành chính như hiện nay không ổn, chưa đủ sức răn đe vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận việc bị xử phạt để thu lợi từ việc nhái thương hiệu hoặc “mượn” các thương hiệu nổi tiếng. Thực tế cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức làm hàng giả, hàng nhái thu lợi rất nhiều nhưng khi bị phát hiện ra thì phạt hành chính không đáng là bao nhiêu, xử lý hình sự thì chưa đủ điều kiện.

“Làm nhái sản phẩm cũng không khác gì làm giả, sức khỏe người dân bị đe do nếu đó là sản phẩm không đạt chất lượng. Vì vậy cần nâng mức xử phạt lên khung dân sự, hình sự”.

Ông Nguyễn Viết Hồng Giám đốc công ty Cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina CHG

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.