Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã triển khai đồng loạt các biện pháp cấp bách để nhanh chóng loại trừ sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine, không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ra khỏi thị trường.
Theo đó, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra được 14.428 cơ sở, phát hiện 423 cơ sở vi phạm... Đã có 1.266 mẫu sản phẩm thực phẩm được kiểm nghiệm, trong đó có 32 mẫu nhiễm melamine; 437,941 tấn sản phẩm nhiễm melamine bị thu hồi, niêm phong;
17,433 tấn bị tiêu hủy; hoàn thành thủ tục tái xuất 13 tấn, giải tỏa 104 tấn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ sau khi đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định; xử lý theo quy định 167 tấn sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP...
Bộ Y tế cho biết, trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm, Bộ Y tế đã có các công văn hướng dẫn và đôn đốc việc xử lý sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; quy trình giám sát thực phẩm nhiễm melamine và thành lập một số đoàn thanh, kiểm tra, giám sát tại các địa phương...
Sau khi WHO đưa ra giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm, Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm... và hướng dẫn các địa phương xử lý sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine trên cơ sở quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm.
Trong báo cáo này, Bộ Y tế cho biết, sữa nhiễm melamine là vấn đề mới, có tính bất ngờ do đó mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo cụ thể song vẫn còn một số địa phương lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý, đặc biệt là việc xử lý hàng hóa vi phạm...
Tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể không có hóa đơn, chứng từ mua hàng hoặc không có giấy chứng minh hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng nên các đoàn thanh tra, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thanh, kiểm tra và phải mất nhiều thời gian để xác minh, hoàn tất hồ sơ vụ việc.
Bộ Y tế cũng cho hay, vấn đề melamine trong thực phẩm cũng như tác hại của nó chưa được nghiên cứu kể cả đối với những nước tiên tiến cũng như Việt Nam, do vậy khi WHO chưa đưa ra giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm thì việc quy định mức giới hạn an toàn của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm tại thời điểm tháng 10/2008 là rất khó khăn.