Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định

Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
TP - Ngày 27/5, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định như vậy với PV Tiền Phong, sau khi đọc bài phỏng vấn Đại sứ Angola và được biết ngài Đại sứ ủng hộ việc hai nước ký hiệp định hợp tác về lao động.

> Angola sẵn sàng ký Hiệp định lao động với Việt Nam
> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Cục trưởng nói gì?

Sẽ cho làm thí điểm

Bà Chuyền nói, đúng là tháng 12/2012, Bộ LĐ-TB&XH cử đoàn công tác sang Angola để tìm hiểu thị trường. Thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, đoàn đã làm việc với các đơn vị liên quan của phía bạn. Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Angola cũng có báo cáo cho biết về tình trạng lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, vì số lao động Việt Nam được doanh nghiệp ký đưa sang Angola không làm việc cho chủ sử dụng lao động đăng ký trong hợp đồng, nên Angola coi là lao động không hợp pháp.

“Mục tiêu của mình là đưa được nhiều lao động sang Angola. Vừa rồi, Đại sứ Việt Nam tại Angola cũng có đề xuất, trong lúc chưa ký hiệp định, mình cứ hãy cho làm thí điểm”, bà Chuyền nói.

Theo bà Chuyền, vừa rồi Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà đã đồng ý chủ trương để các doanh nghiệp có hợp đồng chính thức sẽ phối hợp Đại sứ Việt Nam tại Angola thẩm định với tinh thần tích cực nhất.

Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm gì để khai mở thị trường này? Bộ trưởng Chuyền cho biết, qua cuộc trao đổi giữa PV Tiền Phong với ngài Đại sứ Angola tại Việt Nam, nếu khai thông được thị trường và đi đến ký kết được hiệp định sớm là tốt nhất. “Ngài Đại sứ đã nói như thế thì quá thuận lợi cho mình”, bà Chuyền nói.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm nhất có thể họp bàn với ngài Đại sứ. Từ đó, có thể nhận được sự đồng thuận của cơ quan chức năng Angola nhằm sớm ký được hiệp định, làm cơ sở pháp lý để Việt Nam cung ứng lao động cho Angola một cách chính thống. “Hiệp định ký kết càng sớm, càng tốt. Tôi cũng đã đồng ý với đề xuất của vị Đại sứ Việt Nam ở Angola là những doanh nghiệp có hợp đồng, tới đây có thể sẽ cho làm thí điểm. Làm sao để người lao động sang Angola không bị coi là bất hợp pháp”, bà Chuyền nói.

Bà Chuyền khẳng định, ngay sau khi làm việc với ngài Đại sứ Angola tại Việt Nam, kết quả buổi làm việc sẽ được thông báo chính thức cho PV Tiền Phong.

Lương khởi điểm 800 USD/tháng là hấp dẫn

Một công trình xây dựng tại Angola do lao động Việt Nam đảm nhiệm. Ảnh: T. Thiết
Một công trình xây dựng tại Angola do lao động Việt Nam đảm nhiệm. Ảnh: T. Thiết.
 

 “Qua cuộc trao đổi giữa PV Tiền Phong với ngài Đại sứ Angola tại Việt Nam, nếu khai thông được thị trường và đi đến ký kết được hiệp định sớm là tốt nhất”.  

Phạm Thị Hải Chuyền Bộ trưởng LĐ-TB&XH

Một chuyên gia về xuất khẩu lao động nói rằng, thực ra, ngay sau khi Tiền Phong viết loạt bài “Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola”, các bộ phận liên quan của Bộ LĐ-TB&XH mới vào cuộc tích cực. Theo vị này, cuối năm 2012, tại Đại hội của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, một số doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ tiếp cận ngay thị trường Angola. Nếu chậm trễ, có thể sẽ đánh mất một thị trường tiềm năng. “Tuy nhiên, từ đó đến nay, không được lãnh đạo Bộ quan tâm”, vị này nói.

Một lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (xin giấu tên) cho biết, ông từng sang Angola để tìm hiểu thị trường này. “Đúng như ngài Đại sứ Angola tại Việt Nam phát biểu trên Tiền Phong, thị trường nào cũng có chuyện này, chuyện kia. Tuy nhiên, tôi thấy số người lao động Việt Nam bị tai nạn hoặc bị chết tại Angola còn ít hơn ở Dubai và Qatar”, vị này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, về khí hậu, Angola có mùa mưa nên mát và dễ chịu hơn cả Dubai và Qatar (không có mùa mưa). Hơn nữa, cả Dubai và Qatar không thể có mức lương khởi điểm của lao động Việt Nam đạt 800 USD/tháng như tại Angola. “Bộ LĐ-TB&XH phải đặt ra câu hỏi là tại sao lao động Việt Nam lại ùn ùn kéo sang Angola. Con số 4,5 vạn người không phải là ít. Không có lý do gì để biện minh cho việc Bộ đứng ngoài cuộc, để rồi khi xảy ra rủi ro đổ hết lên đầu người lao động”, ông nói.

Một cán bộ ngoại giao cho biết, cách thức để đi đến ký kết hiệp định về hợp tác lao động giữa 2 nước phải tuân thủ quy trình. Phía đề nghị ký kết hiệp định (cụ thể ở đây là Bộ LĐ-TB&XH) phải trình hồ sơ qua con đường ngoại giao (thông qua Đại sứ quán Angola tại Việt Nam).

Đại sứ Angola tại Việt Nam sẽ chuyển hồ sơ kiến nghị về nước. Khi nhận được hồ sơ, Chính phủ Angola sẽ thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu vấn đề Việt Nam kiến nghị. Sau đó, nhóm công tác của Angola sẽ làm việc với nhóm công tác của Bộ LĐ-TB&XH để đi đến thống nhất trước khi trình lên chính phủ hai nước. “Lúc này, hiệp định sẽ được ký thông qua phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ hoặc thông qua chuyến thăm của lãnh đạo một trong hai bên”, vị chuyên gia nói.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thủ tục để Đại sứ quán Angola tại Việt Nam cấp visa lao động cho công dân Việt Nam gồm: Phải có giấy phép của Bộ chủ quản cho NLĐ sang làm việc (trong giấy phép có thể có danh sách từ 1 đến 2 người hoặc vài trăm người).

Cty xin bộ chủ quản để đưa lao động sang Angola phải chứng minh đang hoạt động hợp pháp (có giấy phép kinh doanh, bố cáo thành lập doanh nghiệp, có giấy tờ chứng minh nộp thuế...).

Ngoài ra, lao động nào muốn sang Angola làm việc phải có lý lịch tư pháp, có giấy chứng nhận sức khoẻ, có bằng cấp chuyên môn. Hồ sơ phải được dịch ra tiếng Bồ Đào Nha và được xác nhận của lãnh sự. Khi cá nhân lao động hoặc một tổ chức có đầy đủ những hồ sơ trên, sẽ được Đại sứ quán Angola tại Việt Nam cấp visa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.