Bộ trưởng Y tế: 'Không để hiện tượng nọ kia tồn tại trong đấu thầu thuốc'

Để chấn chỉnh tình trạng còn tồn đọng của phương pháp đấu thầu cũ, Bộ Y tế đã cử nhân sự học tập mô hình quản lý giá thuốc ở các nước Châu Âu
Để chấn chỉnh tình trạng còn tồn đọng của phương pháp đấu thầu cũ, Bộ Y tế đã cử nhân sự học tập mô hình quản lý giá thuốc ở các nước Châu Âu
TPO - Trước những băn khoăn về việc đầu thầu thuốc tập trung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh “Chúng tôi cam kết thực hiện đấu thầu công khai minh bạch, không để những hiện tượng nọ kia tồn tại trong đấu thầu”.

Tại hội nghị triển khai kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia năm 2017 (tổ chức ngày 22/12 tại TPHCM), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn đọng và hạn chế trong lĩnh vực đấu thầu thuốc trước đây dẫn đến tình trạng chênh lệch giá thuốc giữa các vùng miền, chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện gây bức xúc cho người dân. Do đó, việc Quốc hội ban hành luật đấu thầu, có chương đấu thầu thuốc riêng với các vấn đề đấu thầu tập trung có nội dung đàm phán giá, là cách để tạo hành lang pháp lý cho chính sách đầu thầu mặt hàng đặc thù này trong lĩnh vực y tế.

Những mặt hàng tham gia đấu thầu tập trung đã duyệt gồm có 5 hoạt chất, 22 loại thuốc được Phó Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo. Theo đó, thuốc biệt dược gần hết bản quyền dứt khoát phải đàm phán giá. Để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong công tác đấu thầu thuốc tập trung, Bộ Y tế đã ban hành thông tư, danh mục hướng dẫn đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia trên cơ sở công khai minh bạch, tiến đến những phương cách giảm giá, đảm bảo những nhà thầu có đủ năng lực tin cậy, chất lượng… Kết quả đấu thầu giá thuốc không được phép có sự chênh lệch giá thuốc trong đấu thầu tập trung.

Trước băn khoăn của các chuyên gia về những vấn đề sẽ nảy sinh khi lần đầu tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết: Bộ cam kết thực hiện đấu thầu công khai minh bạch, "không để những hiện tượng nọ kia tồn tại trong đấu thầu".

Quy trình triển khai kết quả đấu thầu thuốc phải tuân thủ hành lang pháp lý trên cơ sở công khai, dân chủ với giá cả hợp lý và thực hiện đồng loạt. Thuốc generic, thuốc có tỷ trọng giá trị sử dụng lớn sẽ ưu tiên cho mặt hàng sản xuất trong nước. Trong tương lai không xa, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lên phương án đầu thầu tập trung trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện, đảm bảo mức giá hợp lý nhất.

Tổng giá trị gói thầu tham gia đấu thầu tập trung theo báo cáo của Bộ Y tế là 2.746 tỷ, giá trúng thầu còn 2.269 tỷ tiết kiệm được 477 tỷ đồng. Kết quả đấu thầu sẽ được triển khai trong thời gian tới với 5 hoạt chất 22 mặt hàng thuốc bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic, đủ cung cấp cho toàn quốc trong thời gian 2 năm.

Theo các chuyên gia cho biết đấu thầu tập trung là xu hướng mang tính toàn cầu, giúp đấu thầu được mức giả rẻ, đàm phán được giá tốt nhất khi mua với số lượng lớn. Riêng những thuốc được dùng nhiều, bản quyền gần hết hạn, biệt dược… các bước đàm phán (mặc cả) có thể giảm đến 50% mức giá, giúp giảm được chi phí giá thuốc trong tổng giá dịch vụ y tế.

MỚI - NÓNG