“Phải giữ được biểu tượng là lá phổi”
Trước đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn: Vừa qua, ở TP.HCM có một nhà đầu tư làm dự án rất lớn là lấp biển Cần Giờ. Các nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn là sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và rừng ngập mặn Cần Giờ, cũng là rừng phòng hộ của Cần Giờ.
“Tôi xin hỏi các vị có theo dõi dự án này không và làm sao để vẫn triển khai dự án với ý định tốt đẹp là thúc đẩy kinh tế của TP.HCM và của khu vực đi lên, đồng thời bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ để bà con cử tri và nhân dân yên tâm?”, ông Nghĩa nêu câu hỏi.
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ: Cần Giờ là một địa bàn hết sức đặc biệt. Cần Giờ là một biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh, là lá phổi của thành phố. Cần Giờ thể hiện con người đã phục hồi lại thiên nhiên.
Theo ông Hà, trong 31.000 hecta rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ có 20.000 hecta do công sức lao động của những thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi lại từ 11.000 hecta sau chiến tranh năm 1979.
“Tôi hiểu sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố về vấn đề này. Bởi vì cho đến nay, so với nhiều quận, huyện thì mức sống, thu nhập của người dân Cần Giờ vẫn chưa được cải thiện nhiều”, ông Hà nói.
Nói về mục tiêu dự án, ông Hà nhấn mạnh, phải giữ được biểu tượng là lá phổi, giữ được hệ sinh thái sinh quyển hiện nay đã được UNESCO công nhận. Thứ hai, mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế đô thị phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái.
Vì vậy, ông Hà cho biết, khi xem xét lại dự án này (dự án được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển khoảng 600ha, hiện nâng lên 2.800ha), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TPHCM đã thống nhất rất cao mục tiêu trên. Tại các khung pháp lý của UNESCO cho thấy phân ra 3 vùng, gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và vùng bán lân cận. Phần dự án là nằm tiếp giáp, kết nối với phần bán lân cận. Đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện theo đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý sẽ quyết định.
Khẳng định, những tác động của dự án này đã được tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng, ông Hà cho hay, về phía chủ đầu tư đã sử dụng các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để đầu tư, đặc biệt như các tập đoàn của Hà Lan hoặc là các tập đoàn đứng thứ ba thế giới về đánh giá tác động đến môi trường và xã hội để thực hiện đối với dự án.
Công khai tất cả những tác động để đánh giá
Liên quan đến tác động khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, chất thải, không khí, tác động của vấn đề đô thị lên môi trường tự nhiên và với mục tiêu là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên sinh quyển, ông Hà cho hay đã tham vấn với các tổ chức bảo tồn thế giới, đặc biệt là tổ chức về đất, nước và xác định rằng phải bảo tồn nguyên sinh, tức là đảm bảo hệ sinh thái không thay đổi.
“Đây là khu vực liên quan đến giao thoa nước ngọt và nước mặn, nó là nước lợ và nước này phải lên xuống, thay đổi theo triều cường, phải giữ được và bảo vệ rừng ngập mặn là phải theo những tiêu chí để đảm bảo cân bằng sinh thái”, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hà, khi tác động đến hệ sinh thái do lấn biển thì đương nhiên sẽ xem xét, đánh giá tác động đối với môi trường biển cũng như tác động liên quan đến các dòng chảy hải dương học, địa chất của biển và đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bồi lấp và xói mòn đối với các vùng ảnh hưởng khác của các địa phương khác.
Bởi đây là một khu vực, nơi có nhiều cửa sông lớn cũng vừa bồi tụ nhưng khi có tác động lớn thì sẽ tạo ra những xói mòn ở vùng khác. Vì vậy, hiện nay về phía chủ đầu tư đã gần như công khai tất cả những vấn đề. “Chúng tôi đã công khai tất cả những tác động sẽ có để các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đánh giá”, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay.
Về vấn đề lấy vật liệu ở đâu san lấp? Bộ trưởng Hà cho hay, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu rất cụ thể là cần phải có nghiên cứu và hiện nay chủ đầu tư đang mời các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan. Hiện nay người ta đưa ra phương án là lấy vật liệu tại chỗ, tức là cùng với việc duy trì hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt thì họ sẽ tạo ra một cái hồ rất lớn để bổ sung nước biển và nước ngọt ở khu vực ngay ở giữa trung tâm của đô thị.
“Với việc lấy vật liệu ở đây thì sẽ san lấp ra phía ngoài. Nếu làm được vấn đề này, chúng tôi cho rằng đây là một giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề lấy vật liệu ở đâu và tác động khi sử dụng vật liệu san lấp là lấy vật liệu ngay chính khu vực này”, ông Hà nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết, khi khách du lịch và lượng dân 288.000 thì chủ đầu tư đã bố trí một con đường đi ngay trên con đường hiện nay, tức là dùng con đường trên cao đê không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
“Đây là một dự án cần phải làm ở mức cao nhất. Nếu dự án này thành công, đây có thể là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên hoàn hảo”, ông Hà nói.