Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng – Phó chủ tịch thường trực của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm dỏm.
Cụ thể, từ 20/4 tới 10/5 tới, các lực lượng sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, sẽ tập trung xử lý: mũ giả, mũ nhái các thương hiệu, sử dụng tem CR giả dán lên mũ có hình thức giống MBH, ghi nhãn MBH xe máy lên các mũ không đúng quy chuẩn,... Cùng với đó, sẽ xử lý vi phạm đối với đối tượng đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xử phạt theo luật và giao nộp để tiêu hủy mũ "dỏm”.
Trước mắt từ 20 đến 24/4, sẽ yêu cầu các đối tượng trên dừng xe, tuyên truyền, nhắc nhở. Tháng cao điểm từ 20/5 đến 19/6 tới sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục.
Sau đó, từ ngày 1/7 trở đi, các hành vi đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu chủ hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh MBH ký cam kết chỉ sản xuất, kinh doanh MBH đúng quy chuẩn.
Ai sẽ bị xử phạt?
Trong văn bản này, Bộ trưởng Thăng cũng nêu rõ, các loại mũ sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và đối tượng, địa bàn xử phạt. Đầu tiên là loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy, nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa. Ngoài ra, các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy.
Theo Bộ trưởng, các vi phạm cần tập trung kiểm tra, xử lý bao gồm: vi phạm về đăng ký kinh doanh; vi phạm về chế độ hóa đơn, chứng từ; vi phạm về chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm về địa điểm kinh doanh và trật tự, an toàn giao thông.
Đối tượng kiểm tra bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh MBH, mũ có kiểu dáng giống MBH, bao gồm cả người bán hàng rong, bán hàng lưu động; các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu MBH. Ngoài ra, còn bao gồm các đối tượng vận chuyển, tàng trữ MBH, mũ có kiểu dáng giống MBH cho người đi mô tô, xe máy. Địa bàn, khu vực cần tập trung kiểm tra là khu vực nội thành, trung tâm các huyện ngoại thành và các trục đường giao thông chính.
Cách nhận biết và phân biệt mũ "dỏm"
Mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy là mũ không có đủ 3 lớp (vỏ mũ - đệm hấp thụ xung động bên trong - quai mũ), không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR.