Bộ trưởng Quốc phòng: Thế giới có thể xảy ra chiến tranh không gian mạng

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
TPO - Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống..., đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sáng 10/11, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Quốc phòng sửa đổi trước Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, sau hơn 10 năm thực hiện Luật quốc phòng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa như việc tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; việc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh và một số quy định khác liên quan đến quốc phòng...

Bên cạnh đó, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống, sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh.

“Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật quốc phòng tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, .

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh quan điểm giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, thể chế quan điểm, chủ trương mới của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, bảo đảm tính hợp hiến và thống nhất của Luật quốc phòng với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng. Xây dựng Luật quốc phòng (sửa đổi) theo hướng là Luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.

MỚI - NÓNG