Trao đổi với Tiền Phong về công tác này, ông Ngô Văn Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là bản lĩnh, cái tâm trong sáng của từng đại biểu. Nếu dịp này bộ trưởng nào mời cơm ông cũng sẵn sàng nhận lời bởi không vì một bữa cơm mà thay đổi được chính kiến của đại biểu QH.
Ông Ngô Văn Minh nói:
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định rất rõ trong nghị quyết của QH. Trong đó khái quát nhất là làm sao thúc đẩy bộ máy nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong sự giám sát của nhân dân và cử tri cả nước.
ĐB Ngô Văn Minh. Ảnh: hồng vĩnh. |
Đại biểu phải sàng lọc thông tin
Một vấn đề rất quan trọng trước khi lấy phiếu là thông tin để các đại biểu đưa ra chính kiến của mình, đến nay cá nhân ông đã có đầy đủ thông tin về người được lấy phiếu?
Thông tin quan trọng nhất là từ bản báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, đại biểu có thể thu thập thông tin từ tất cả các bình diện xã hội như từ cử tri, các cơ quan, tổ chức, dự luận xã hội, thông qua báo chí.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin này phải được sàng lọc chứ không phải thông tin nào đại biểu cũng ôm vào, dẫn đến có thể rối loạn thông tin, nhiễu thông tin.
Do đó, để việc bỏ phiếu đạt hiệu quả như mong muốn thì mỗi đại biểu phải thể hiện bản lĩnh và cái tâm của mình. Làm sao chắt lọc, sàng lọc thật kỹ với sự khách quan, vô tư, trong sáng, công tâm để chúng ta thực hiện quyền của đại biểu dân cử, không phụ lòng tín nhiệm, ủy quyền của cử tri. Điều trên hết khi thực hiện công tác này là trọng trách đối với đất nước, đối với nhân dân.
Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của mỗi cán bộ, do đó không cho phép chúng ta làm một cách hời hợt, thiếu cân nhắc thận trọng, dẫn đến méo mó kết quả. Còn lo ngại vận động phiếu, “chạy” phiếu thì tôi nghĩ đại biểu QH có bản lĩnh nên không sợ việc này.
Trong quá trình hoạt động nghị trường qua nhiều kỳ họp QH, theo dõi, giám sát các ngành, lĩnh vực thì đại biểu QH đã có những hình dung nhất định về ưu điểm, khuyết điểm của những người được lấy phiếu.
Thực tế có người làm được nhiều việc nhưng trong bản báo cáo công tác chưa nêu hết được thì đại biểu bổ sung để đồng chí đó phát huy. Đồng thời, đồng chí nào chưa nhìn nhận hết khuyết điểm của mình thì đại biểu cũng phải chỉ ra để đồng chí nhận thấy và phấn đấu làm tốt hơn, lần sau lấy phiếu có tỷ lệ cao hơn.
Như ông nói căn cứ quan trọng nhất là bản báo cáo của người được lấy phiếu, nhưng có bản báo cáo dài 30- 40 trang, có bản chỉ vài trang thì làm sao để đại biểu QH đủ thông tin?
Thực tế bản báo cáo dài hay ngắn không quan trọng mà vấn đề là nội dung trong đó. Quan trọng hơn nữa là cái tầm, cái tâm của đồng chí đó thể hiện trong bản báo cáo như thế nào. Tôi cho rằng chỉ cần gạch đầu dòng trong thời gian qua tôi thực hiện được những việc A,B,C như thế này, còn những nhược điểm gì và hướng khắc phục ra sao. Tuy nhiên, nếu báo cáo công tác ngắn quá, chỉ một vài trang thì cũng gây suy nghĩ cho đại biểu. Viết quá hời hợt thì cũng không nên.
“Một bữa cơm không thể đánh đổi được sự trung thực”
Như ông nói việc lấy phiếu phải xuất phát từ bản lĩnh, cái tâm trong sáng và bộ lọc của từng đại biểu, tuy nhiên có đại biểu kiêm nhiệm là cán bộ trong ngành, cấp dưới của người được lấy phiếu thì làm sao để họ thực sự khách quan?
Đây thực sự là điều khó khăn. Nhưng trong dân gian có câu, chính mình đôi khi cũng không hiểu hết mình thì làm sao hiểu hết người khác. Do vậy việc này cũng chỉ chính xác tương đối thôi. Bởi không có gì là tuyệt đối cả.
Vẫn biết là kết quả mang tính tương đối, nhưng ông có lo ngại việc hứa hẹn, vận động phiếu không, hoặc có thể là mời cơm đại biểu?
Tôi cho rằng cần chống hai khuynh hướng: Một là cá nhân tranh thủ phiếu cho mình; Hai là đi vận động phiếu cho nhau. Cả hai điều này đều không nên. Tôi tin rằng, hễ là một người tử tế thì không bao giờ bị chi phối bởi những chuyện này.
Tôi chưa thấy việc bộ, ngành nào mời cơm đại biểu để tranh thủ này nọ. Nhưng nếu có việc mời cơm thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên trong dịp lấy phiếu này và cũng là bình thường. Thực tế, các bộ cũng có quan hệ với địa phương này, ngành kia, rồi cá nhân đồng chí này đồng chí khác, nhưng khi đã vào cuộc là không có chuyện yêu ghét, tranh thủ này, tranh thủ nọ.
Tôi ví dụ trong dịp này nếu nhận được lời mời gặp mặt, mời cơm thân mật của một bộ, ngành nào đó thì ông có nhận lời?
Tôi sẵn sàng. Tôi nghĩ đây là điều bình thường và không có gì phải né tránh. Không nên coi chuyện bình thường thành phức tạp. Tình cảm là riêng còn khi thực hiện quyền đại biểu thì lại khác. Như tôi đã nói, nếu là người tử tế, có trách nhiệm thì sự trung thực không thể đánh đổi bằng vật chất, bằng một bữa cơm.
Một gánh vàng cũng không đánh đổi được sự trung thực, trong sáng, công tâm của một con người. Chúng ta hãy tin vào những điều này để thực hiện cho tốt.
Trong quá trình lấy phiếu chúng ta cần khắc phục tư tưởng nặng nề, cầu toàn. Không phải ai được phiếu cao thì vỗ tay hoan hô, ai phiếu thấp thì xì xào. Bởi mỗi người thực hiện nhiệm vụ của mình đều có đúng, có sai. Như dân gian thường nói, làm nhiều thì sai nhiều, ít làm thì ít sai. Vấn đề là những cái sai đó xuất phát từ đâu. Do chúng ta chưa lường hết được, do điều kiện khách quan mà có thể chấp nhận được để khắc phục hay cái sai về chủ quan, bảo thủ, cố ý, thì cũng phải xem xét cho đúng mức. Còn số phiếu ít hay nhiều theo tôi không quan trọng lắm. Chỉ cần được tín nhiệm trên 50% là tốt rồi. |
Hà Nhân