Giá lúa gạo là nỗi "thấp thỏm, lo âu" của người dân
Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để bộ lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
Ông đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, được đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến bộ.
Các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh: Quốc hội) |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.
Do đó, từ thực tiễn này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.
Chuyển đổi đất đai là một sự đánh đổi
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) viện dẫn nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, tuy nhiên, đây cũng là những người có thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông.
Đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo bà Hạnh, nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Vậy, quan điểm và các giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này ra sao?
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước ta. Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.
Theo bộ trưởng, chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện thương lái bỏ cọc.
Về quy hoạch đất lúa, bộ trưởng thông tin, cách đây 10 năm, cả nước có trên 4 triệu ha, nay còn 3,9 triệu ha. Theo nghị quyết, cả nước sẽ sử dụng linh hoạt khoảng 5 triệu ha đất lúa. Như vậy, sẽ có tình huống nhường đất lúa để xây đường, cơ sở hạ tầng.
Ông cũng cho rằng, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai nên sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các địa phương đều đã ổn định diện tích lúa, trong quy hoạch của tỉnh cũng đã phân khu vực dành cho đất nông nghiệp, đất lúa. Tất nhiên, mọi quy hoạch không thể đứng yên, chuyển đổi đất đai là một sự đánh đổi”, ông nói.
Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực cùng bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao… sẽ cùng tham gia giải trình những vấn đề có liên quan.