Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi sẽ chịu trách nhiệm đến cùng

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi sẽ chịu trách nhiệm đến cùng
TP - " Tôi khẳng định là sẽ chịu trách nhiệm đến cùng”-Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời như vậy khi báo chí hỏi về trách nhiệm của cá nhân ông trong vụ sập cầu Cần Thơ.

>> Trách nhiệm trước dân

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi sẽ chịu trách nhiệm đến cùng ảnh 1
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời báo chí tại hiện trường vụ sập cầu Cần Thơ. Ảnh: Hữu Vinh

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã trình bày tóm tắt nội dung của sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ hôm 26/9  khiến 53 người chết, 80 người bị thương, 1 người mất tích.

“Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng và rất đau lòng, cũng là nỗi đau của ngành giao thông. Mấy hôm trước tôi đã nhận trách nhiệm chính trị, trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với dự án trước sự cố này. Còn mức độ trách nhiệm đến đâu thì Ủy ban điều tra Nhà nước về nguyên nhân sự cố sẽ xác định. Tôi khẳng định là sẽ chịu trách nhiệm đến cùng”-Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời như vậy khi báo chí hỏi về trách nhiệm của cá nhân ông.

Theo Bộ trưởng Dũng, việc mà Bộ GTVT phải làm ngay hiện nay theo yêu cầu của Thủ tướng là: Rà soát lại toàn bộ các công đoạn triển khai công trình (gói thầu số 2), bao gồm cả khâu thiết kế, giám sát và tổ chức thi công. Chúng tôi chuẩn bị thuê một đơn vị tư vấn độc lập (nước ngoài) để thẩm tra lại thiết kế, biện pháp thi công với nguyên tắc chỉ tiếp tục thi công công trình nếu các điều kiện về kỹ thuật  là tuyệt đối đảm bảo an toàn.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, bây giờ đang có nhiều nghi vấn về dấu hiệu sai phạm (mà nguyên nhân sự cố thì liên quan đến cả chủ đầu tư; nhà thầu chính; và tư vấn thiết kế-tư vấn giám sát), nên phải rà soát kỹ, xem xét kỹ trách nhiệm  của chủ đầu tư (Bộ GTVT) trong  quyết định phê duyệt thiết kế, lựa chọn thầu.

Nhà thầu chính TKN được phép thuê thầu phụ (trên cơ sở danh sách chủ đầu tư duyệt), và thầu phụ cũng được phép thuê nhân công là lao động thủ công hay lao động kỹ thuật theo từng loại công việc, vấn đề là rà soát xem các quy trình đó có bảo đảm phù hợp quy định không, nếu có  thì trách nhiệm của ai.

“Việc một kỹ sư  Nhật Bản-kỹ sư tư vấn giám sát- có thư cảnh báo, tôi được biết là nhà thầu chính cũng đã có tiếp thu, nhưng cụ thể như thế nào thì phải chờ Ủy ban điều tra Nhà nước kết luận”- Ông Dũng nói.

Hôm qua ( 6/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1340/QĐ - TTg về việc thành lập Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng Nguyễn Hồng Quân làm Chủ tịch.

Ủy ban có 10 Ủy viên, gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên; Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Bích Đạt; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Bạch Hồng; Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Văn Tiến; Chủ tịch Tổng hội Xây dựng GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm; Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường PGS.TS Đào Xuân Lâm; 1 đại diện Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội và 1 đại diện cơ quan khoa học về cầu đường của Nhật Bản.

Ủy ban có nhiệm vụ: Điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố; làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan; chỉ đạo rà soát toàn bộ các công đoạn triển khai công trình, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp cụ thể để khắc phục sự cố và tiếp tục triển khai Dự án; kiến nghị sửa đổi những quy định quản lý nhà nước liên quan đến đầu tư xây dựng công trình để bảo đảm không lặp lại những sự cố tương tự.

Chủ tịch Ủy ban thành lập các tổ chuyên môn giúp việc cho Ủy ban; ban hành quy chế làm việc và khẩn trương tổ chức triển khai hoạt động; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra trong thời hạn một tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Bộ GTVT chỉ đạo tạm dừng thi công gói thầu số 2 cho đến khi Ủy ban điều tra đưa ra kết luận.

Ủy ban tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG