Bộ trưởng Giáo dục nói gì trước kỳ thi?
> Bộ trưởng GD&ĐT: 'Đưa tin tiêu cực khiến thí sinh sốc...'
> Không áp dụng hai điểm sàn
Đề sẽ ra trong chương trình Trung học phổ thông (THPT), nằm nhiều ở lớp 12, không đánh đố; Những môn khoa học xã hội sẽ ra đề theo hướng mở, không yêu cầu học thuộc lòng máy móc.... là chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới...
|
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp PTTH và hơn 1 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học. Trong “Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 26/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đưa ra những thông tin thiết thực về những vấn đề liên quan tới 2 kỳ thi này.
Thưa Bộ trưởng, năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép các thí sinh mang máy ghi âm và ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT. Có ý kiến của giáo viên chi sẻ, mặc dù nhà trường có tổ chức tập huấn ngắn nhưng nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng. Nhiều thầy cô băn khoăn quy định mới liệu có giúp đảm bảo mục tiêu một kỳ thi nghiêm túc hay không?
Chúng tôi đã nhận được những ý kiến bàn luận trên phương tiện truyền thông và ý kiến phản ánh của các địa phương về những băn khoăn nói trên. Nhưng thực ra vấn đề cũng đơn giản, ở chỗ, không nên đặt vấn đề có quá nhiều loại thiết bị phức tạp mà chỉ đặt vấn đề ngăn chặn thiết bị phát hình, phát âm trực tiếp tại phòng thi.
Để phát hiện thiết bị có phát hình thực tiếp không thì chỉ cần nhìn thiết bị có màn hình không. Nếu có màn hình thì không được mang vào. Còn để phát hiện thiết bị có phát âm thực tiếp không, thì muốn phát âm phải có loa, có tai nghe. Tuy nhiên, nắm bắt được lo lắng và băn khoăn và lo lắng của cơ sở, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết việc này. Chúng tôi tin rằng việc bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia kỳ thi.
Theo thống kê của Bộ, số lượng hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm nay giảm trên 100.000 hồ sơ, tương đương mức giảm 6%. Đặc biệt là hồ sơ ngành Quản trị -Kinh doanh giảm mạnh, tới 10%. Trong khi đó ngành Khoa học, Giáo dục, Kỹ thuật công nghệ, Nông- Lâm- Thủy sản thì số hồ sơ lại tăng. Bộ trưởng nhận định như thế nào về sự thay đổi này và Bộ trưởng có định hướng gì để tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của xã hội ?
Việc giảm hồ sơ vào các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh là một tín hiệu mừng sau khi chúng tôi phát đi cảnh báo số lượng sinh viên tốt nghiệp những ngành này đã bão hòa với nhu cầu thị trường, nhất là trong điều kiện suy thoái của nền kinh tế thế giới và những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.
Việc tăng khối lượng học sinh tham gia thi các ngành nông lâm thủy sản, khoa học công nghệ cũng là tín hiệu rất tốt bởi những ngành khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ tạo nên nền tảng của nền kinh tế.
Tôi chỉ băn khoăn một chút là số các cháu dự thi vào ngành Giáo dục vẫn còn rất đông. Rất cảm ơn các cháu đã yêu quý ngành Sư phạm nhưng phải nói thật là số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ Sư phạm trong mấy năm vừa rồi khá lớn và sự dung nạp của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng có mức độ.
Tuy nhiên điều đáng mừng là các cháu đã cân nhắc lựa chọn ngành nghề dựa trên nhu cầu của xã hội, diễn biến của thị trường lao động, đó là dấu hiệu rất tốt.
Cho tới thời điểm này ngành Giáo dục đã chuẩn bị những công tác gì và hiện đã sẵn sàng cho hai kỳ thi chưa, thưa Bộ trưởng?
Có thể nói tổng quát đến thời điểm này tất cả các công việc chuẩn bị đã sẵn sàng, trừ việc tập huấn, còn một vài điểm các thầy cô giáo khối phổ thông năm nay triển khai lần đầu quy chế nên còn băn khoăn. Điều này sẽ được bổ sung hoàn thiện bằng cách chúng tôi sẽ có công văn hướng dẫn trong những ngày tới đây để nói cụ thể.
Có một thông tin rất được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm, đó là xin Bộ trưởng “bật mí” về định hướng ra đề thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh ĐH năm nay?
Nói chung cả 2 kỳ thi đều sẽ ra đề thi nằm trong chương trình THPT, nằm nhiều ở chương trình lớp 12. Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh. Với những môn khoa học xã hội - nhân văn sẽ ra đề theo hướng mở và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.
Đề thi tuyển sinh ĐH còn một yêu cầu khác nữa là phải phân loại trình độ học sinh để tuyển chọn, nên sẽ có những câu khó hơn.
Chỉ còn 1 tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp, Bộ trưởng có chia sẻ với giáo viên cũng như các em học sinh trong giờ phút cận kề này?
Trước hết chúng tôi muốn nói với các cháu học sinh là các cần cháu bình tĩnh, tự tin, học một cách khoa học, điều độ, giữ gìn sức khỏe. Khi vào làm bài thì bình tĩnh, đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm tới đâu chắc tới đấy, làm bài một cách trung thực, đối diện với chính mình, tự vượt qua bản thân mình.
Với các thầy cô giáo, chúng tôi mong với tinh thần trách nhiệm, với lương tâm nghề nghiệp, chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy chế, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu làm bài trong môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực để giành lại lòng tin, trước hết là của các em học sinh, sau đó là của các bậc cha mẹ học sinh và cả xã hội.
Tôi muốn nói một câu cuối cùng, năm nay, ngành Giáo dục Đào tạo tổ chức kỷ kiệm 45 năm Ngày Bác Hồ viết lá thư cuối cùng cho ngành Giáo dục. Chúng tôi vẫn tâm niệm đây là di chúc riêng của Bác dành cho ngành Giáo dục. Trong lá thư này Bác căn dặn ngành nhiều điều, trong đó có một câu “dù khó khăn đến đâu cũng phải phấn đấu dạy thật tốt, học thật tốt”. Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắn nhủ các thầy cô giáo và học sinh cả nước quyết tâm thực hiện thật tốt lời Bác dạy, trước hết là trong kỳ tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học này và sau nữa là trong quá trình giảng dạy tới đây.
Xin cảm ơn Bộ trưởng đã có những chia sẻ sâu sắc và thiết thực đối với các em học sinh và các giáo viên.
Theo Xuân Hưng
VnMedia