Bộ trưởng Giáo dục lí giải chuyện kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải)
TPO - Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 11/12 diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành với các đại biểu dự Đại hội. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu.

Trước câu hỏi của đại diện Hội Sinh viên tỉnh Bình Định  về thực trạng hiện nay, sinh viên cả nước nói chung đều bị hạn chế về thực hành, thực tế. Các trường kể cả trường kỹ thuật, sinh viên cũng chủ yếu học lý thuyết. Như thế, chúng ta sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế và sẽ mất một thời gian tương đối dài để đáp ứng được yêu cầu của công việc?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nguyên nhân vấn đề này là do chúng ta đào tạo chưa sát, chưa trúng. Dự báo thị trường của chúng ta chưa tốt. Hàm lượng thông tin dự báo nhu cầu thị trường chung và dài hạn ra sao, quy trình bám sát nhu cầu thị trường thì các trường tiếp cận theo cái này còn hạn chế. Trong khi các nước có nền kinh tế thị trường thị họ quan tâm đến kinh tế thị trường để đào tạo sát với nhu cầu lao động.

“Chương trình chúng ta học và nhu cầu thực tiễn vẫn còn cách xa nhau. Bản thân các sinh viên phải xác định, học cho chúng ta, tìm hiểu, xem xét, có chuẩn bị nhất định khi đến với doanh nghiệp, để xem chúng ta đến có phù hợp không. Nếu không, chúng ta có đến với doanh nghiệp, họ cũng không mặn mà”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ GĐ&ĐT chỉ đạo các trường khi mở ngành thì phải thiết kế gắn với nhu cầu xã hội: Ba yếu tố nhà trường- doanh nghiệp- sinh viên cần liên kết với nhau, cùng có trách nhiệm với nhau. Không phải cứ đại học ra là làm được việc. Kiến thức ở đại học chỉ là kiến thức cơ bản, sau ra trường phải có thời gian làm quen, doanh nghiệp phải có thời gian để đào tạo lại. Nhưng như hiện nay thì lãng phí. Các trường đại học phải có trách nhiệm với người học, nếu cứ làm như truyền thống không có sinh viên đến nữa”.

“Thầy cô không phải giảng dạy cái thầy cô có thế mạnh mà phải đào tạo qua thực tiễn, bám sát thực tế. Chúng ta phải “nhúng” được vào nhu cầu của doanh nghiệp chứ không phải vấn đề thự tập chỉ là “xuân thu nhị kì” như trước đây”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của đại biểu Hứa Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Sinh viên  ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, hiện nay phong trào nghiên cứu khoa học phát triển rất mạnh mẽ trong sinh viên và các giảng viên trẻ. Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công phu và có tính thực tiễn cao được nghiên cứu. Tuy nhiên, phần lớn đề tài có mục đích chủ yếu là tham dự các cuộc thi về NCKH, sau đó thì dừng lại. Điều này dẫn đến lãng phí rất nhiều chất xám và nguồn lực của các bạn sinh viên và giảng viên. Vì vậy, câu hỏi làm thế nào để có thể ứng dụng những đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đang là một bài toán lớn được đặt ra?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là vấn đề rất đúng hiện nay. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đây là ba trụ cột của giáo dục đại học. Nghiên cứu cứu khoa học luôn được đề cao và nó là chỉ số để đánh giá chỉ số, thứ hạng của các trường đại học và nó đánh giá chất lượng của giáo dục đại học. Nhưng tại sao công tác nghiên cứu nói chung đã có tiến bộ mà còn gian nan?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Thủ tướng đã có quyết định hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó có nhiều nội dung khuyến khích. Sẽ có đơn vị kết nối trong các trường được thành lập như Doanh nghiệp khoa học công nghệ, nơi kết nối để chuyển ý tưởng nghiên cứu khoa học thành sản phẩm. Các thầy nếu nghiên cứu ở doanh nghiệp có nhiều rủi ro nhưng các trường đại học có nguồn lực quan trọng vì có sinh viên. Các nhóm nghiên cứu này sẽ là xu hướng tốt nhất để chuyển giao khoa học kỹ thuật.

"Còn việc có giao sinh viên làm chủ nhiệm đề tài không? Tôi cho rằng có nhiều nguồn khác nhau. Sinh viên giỏi có thể chủ nhiệm đề tài gắn với sản phẩm nhất định. Các bạn đứng ra chủ trì nghiên cứu sản phẩm, nhóm sản phẩm, chứ không nhất thiết phải chủ nhiệm đề tài. Sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không phải tập sự nghiên cứu. Tôi đánh giá cao nghiên cứu của các bạn vì nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, thậm chí là hàng hóa”- Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ thành lập nhóm nghiên cứu không chỉ kết nối trong trường đại học mà với quốc tế, để ra những sản phẩm, để bán được, từ đó mới có một trường tốt để sinh viên theo đuổi và kết nối thực sự, tìm thấy sự sáng tạo bền vững và khởi nghiệp được.

MỚI - NÓNG