“Không chỉ riêng ĐH Đông Đô mà còn nhiều trường khác, tôi đang chỉ đạo các Vụ, Cục rà soát, báo cáo, sau đó yêu cầu thanh tra Bộ rà soát tất cả các trường ĐH. Đây là một dịp tốt để chấn chỉnh các trường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Ông cũng cho rằng thời gian qua, các hoạt động đào tạo, liên kết của các trường ĐH tuân theo quy định nhưng đâu đó có sự quá đà và buông lỏng quản lý.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không bao che. Các cá nhân có liên quan cũng sẽ phải có trách nhiệm. Nhưng vụ việc đang trong quá trình điều tra của cơ quan công an nên Bộ GD&ĐT chưa thể chỉ rõ được cụ thể” - tư lệnh ngành cho hay.
Sáng 28/8, trường ĐH Đông Đô cũng chính thức thông tin những vấn đề liên quan đến lùm xùm của trường trong thời gian qua.
Theo đó, PGS Lê Ngọc Tòng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô cho rằng, sự việc xảy ra đã để lại hậu quả lớn đối với xã hội mà Trường Đại học Đông Đô phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định pháp luật.
“Sự thiếu vắng 2 thành viên Hội đồng quản trị là Chủ tịch Hội đồng Trần Khắc Hùng và Hiệu trưởng Dương Văn Hòa (do bị điều tra hình sự) đã ảnh hưởng không nhỏ tới những hoạt động của Nhà trường, do đây là những người đại diện pháp lý của cơ quan. Hiện Hội đồng quản trị, lãnh đạo nhà trường đã có những biện pháp hợp lý để đảm bảo kiện toàn đội ngũ nhân sự chủ chốt và các nguồn lực cần thiết cho hoạt động bình thường của nhà trường” - PGS Lê Ngọc Tòng cho hay.
Cụ thể, PGS Lê Ngọc Tòng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Phụ trách nhà trường. Hiện Nhà trường đang hoàn chỉnh thủ tục pháp lý công nhận chức danh Hiệu trưởng đối với PGS.TS Lê Ngọc Tòng theo quy định pháp luật. Ban Giám hiệu nhà trường đã bổ sung nhân sự phòng Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế toán; Thành lập Ban giải đáp thắc mắc liên quan đến Văn bằng 2 để tăng cường đối thoại của nhà trường.
Việc giải quyết những vấn đề liên quan đến đào tạo văn bằng 2 ĐH, ông Lê Ngọc Tòng cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT kiện toàn tổ chức, rà soát lại các quy trình đào tạo, các khóa, lớp để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp trên tinh thần đúng quy định, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người học.