Bộ trưởng Đinh La Thăng có nhầm lẫn?

Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) buổi sáng thường bị ùn tắc Ảnh: Hồng Vĩnh
Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) buổi sáng thường bị ùn tắc Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trả lời báo chí ngày 3-4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói: “Nghị quyết trả lời chất vấn được QH thông qua với tỷ lệ 92,4% về chủ trương thu 2 loại phí (phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”. Vậy, thực chất việc QH đồng ý chủ trương thu phí như thế nào?

> Kinh tế khó khăn, băn khoăn thu phí

Không có từ nào nói đến thu phí

Nghị quyết số 21/2011/QH13 về chất vấn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII được QH thông qua ngày 26-11-2011. Đây là một nghị quyết chung đề cập đến 5 lĩnh vực (giao thông vận tải; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng), cũng là 5 lĩnh vực mà 5 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) buổi sáng thường bị ùn tắc Ảnh: Hồng Vĩnh
Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) buổi sáng thường bị ùn tắc.             Ảnh: Hồng Vĩnh.

92,4% đại biểu QH đồng ý chủ trương thu phí giao thông” - Bộ trưởng Thăng nói

Về phần giao thông vận tải, Nghị quyết nêu: “…Xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5- 10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông. Tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Giao HĐND, UBND thành phố Hà Nội và TP HCM, Bộ GTVT, Bộ công an, các bộ, ngành hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội”.

Như vậy trong Nghị quyết này, không có từ nào nhắc đến chủ trương thu phí phương tiện giao thông.

Có lẽ Bộ GTVT dựa vào Báo cáo số 256/BC-CP gửi QH “Tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”, để lý giải việc đề xuất thu phí đã được QH đồng ý về chủ trương.

Trong báo cáo này, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp cả lâu dài và cấp bách. Về các giải pháp cấp bách, Chính phủ không đề cập đến việc thu phí giao thông mà ưu tiên giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm…

Nhóm giải pháp lâu dài có đề cập: “Thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân; phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”.

Bộ GTVT cho rằng, trong nghị quyết về chất vấn, QH “tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT”, đồng nghĩa đồng ý chủ trương thu hai loại phí này.

Suy diễn

Theo Ủy ban Thường vụ QH (Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII), nghị quyết này ban hành nhằm: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn; xác định rõ trách nhiệm của người trả lời chất vấn đối với những vấn đề đại biểu QH thay mặt cử tri nêu lên”.

Như vậy, để thấy đây là một Nghị quyết để xác định chỉ tiêu (giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5- 10% mỗi năm) và trách nhiệm của các bộ, ngành, chứ không phải nghị quyết phê chấp thuận một chủ trương cụ thể nào.

Do vậy, không thể và không nên liên hệ thành “92,4% đại biểu QH đồng ý chủ trương thu phí giao thông”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP HCM, cho rằng, QH không có nghị quyết riêng về giao thông vận tải với tỷ lệ 92,4%. Mà trong nghị quyết chung chất vấn, lĩnh vực giao thông nhấn mạnh mục tiêu năm 2012 phải giảm 5- 10% số vụ, số người chết vì tại nạn giao thông chứ QH không quyết các giải pháp thực hiện mục tiêu này.

“Tôi tham gia kỳ họp nên có thể khẳng định, QH không quyết chủ trương thu phí giao thông. Không thể suy diễn như thế được”- Ông Lịch nói.

Theo đại biểu này, phí được quy định trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH, còn Bộ GTVT không có quyền thu năm nay hay năm tới.

QH không có nghị quyết riêng về giao thông vận tải với tỷ lệ 92,4%. Tôi tham gia kỳ họp nên có thể khẳng định, QH không quyết chủ trương thu phí giao thông. Không thể suy diễn như thế được” - TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG