Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm sáng nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến việc điều tra các vụ gian lận thi cử. Theo đại biểu, đây là việc xâm hại quyền lợi các em học sinh, người lợi dụng là người có chức vụ quyền hạn. Vì vậy, việc điều tra cần phải đặc biệt chú ý và khách quan không bỏ lọt tội phạm.
“Mặc dù không trái pháp luật nhưng hiện nay việc giao điều tra tại các địa phương là khác nhau. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc giao thẩm quyền điều tra như vậy có đảm bảo khách quan hay không? Cơ quan điều tra có chịu áp lực gì hay không. Trường hợp có dấu hiệu không khách quan, Bộ có phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chuyển quyền điều tra vụ việc hay không?”, ông Cường nêu chất vấn.
Trả lời câu hỏi về vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đến nay đã đủ căn cứ kết luận việc can thiệp nâng điểm với 204 trường hợp. Việc làm rõ hành vi của các phụ huynh đưa tiền cho các bị can thì đang tiếp tục điều tra để củng cố chứng cứ.
Vấn đề cho rằng Bộ Công an nên trực tiếp điều tra, không để công an địa phương làm để đảm bảo khách quan, Bộ trưởng Công an khẳng định có 2 địa phương tự làm. Bộ Công an vẫn giám sát chặt chẽ liên tục và đến giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy công an các địa phương không làm khách quan. Bộ Công an sẽ tiếp tục kiểm soát việc này trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại câu hỏi của đại biểu, tại sao ở 3 địa phương có gian lận thi thì 1 địa phương Bộ Công an làm còn 2 địa phương lại để công an tỉnh tự điều tra?
Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, thẩm quyền điều tra các vụ việc này cơ bản thuộc công an địa phương. Còn với Hòa Bình, do có đề nghị của địa phương, của tỉnh uỷ, của công an tỉnh này và cũng nhận định đây là loại tội phạm mới xuất hiện trong năm nay, nên Bộ Công an vào cuộc để “làm điểm”. Còn các địa phương khác thì làm theo thẩm quyền điều tra của mình và Bộ Công an cũng kiểm soát để đảm bảo không có sự không khách quan khi xử lý vụ án tại các địa phương này.
Vì sao số lượng tướng lĩnh bị xử lý hình sự nhiều như vậy?
Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: Vì sao số lượng tướng lĩnh trong ngành công an vi phạm, bị xử lý hình sự nhiều đến vậy? Ai chịu trách nhiệm giới thiệu những trường hợp này?
Bên cạnh đó, đại biểu Thanh Vân cũng đặt câu hỏi về vụ phân bón giả Thuận Phong vì sao đến nay chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Liên quan đến hai câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người điều hành phiên chất vấn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an không trả lời, đồng thời giải thích.
Cụ thể, liên quan đến câu hỏi về phân bón giả Thuận Phong, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là câu hỏi rất cụ thể, lại có trách nhiệm của cả Viện Kiểm sát, cũng không nằm trong chuyên đề chất vấn. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trả lời chất vấn của đại biểu Vân bằng văn bản.
Liên quan đến việc tướng lĩnh vi phạm hình sự mà đại biểu đề cập, bà Ngân nhấn mạnh: Các trường hợp đó đã bị xử lý. “Ở đây không có vùng trống nào cho các vị tướng công an vi phạm pháp luật đã bị xử lý”, bà Ngân lý giải.
Đối với vấn đề trách nhiệm trong việc đề bạt, bổ nhiệm, theo bà Ngân, việc bổ nhiệm một vị tướng phải đúng pháp luật, đúng quy trình.
"Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, có vi phạm phải xử lý, đây là điều rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý", bà Ngân nói.