Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn người đứng đầu các đơn vị y tế

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh Như Ý
TPO - Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng phải làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của người đứng đầu các đơn vị y tế.

Nếu phát hiện trước sai phạm, làm sao xảy ra hậu quả như vậy?

Sáng 10/11 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ rất đau xót khi cả nước đang căng ra chống dịch thì hàng loạt cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý vì liên quan đến vi phạm việc đấu thầu, quản lý giá thuốc…

Liên quan đến vấn đề này, cơ quan pháp luật đã chỉ ra lỗi cá nhân, lỗi chủ quan. Tuy nhiên, theo đại biểu, một phần cũng do cơ chế, đặc biệt là công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là cơ quan quản lý lĩnh vực. "Đề nghị Bộ trưởng nói rõ thêm về việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế...”, đại biểu An nêu.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đơn vị nào của ngành y tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm. "Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay đến khi “mất bò mới lo làm chuồng""?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn: Sai phạm kinh tế của các bệnh viện dẫn tới hàng loạt GS. TS, bác sỹ rơi vào vòng lao lý, Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng về giải pháp. Bởi dù phân quyền cho một cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế, nhưng nếu có sai phạm, cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

“Theo quy định, hằng năm, đơn vị chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với vốn sử dụng ngân sách. Đối với hoạt động vốn của bệnh viện, đơn vị tự quyết định thì phải kiểm tra những hoạt động tài chính, báo cáo tài chính.

Như vậy những cơ quan này có chuyên môn, chức năng về quản lý kinh tế mà không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các bác sỹ, GS. TS chỉ biết đọc bệnh án, giáo án có thể phát hiện ra việc làm như thế đúng hay sai để tránh. Nếu phát hiện trước sai phạm để cảnh báo thì làm sao xảy ra những hậu quả như vừa qua?

Trong này có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Bộ. Luật Phòng chống tham nhũng cũng nêu rõ những sai phạm xảy ra sau khi đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Cơ quan công an, Viện kiểm sát, Toà án khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng có bỏ sót tội phạm hay không?”, đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn người đứng đầu các đơn vị y tế ảnh 1

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Hà Nội. Ảnh Như Ý

Làm rõ tiêu chuẩn người đứng đầu các đơn vị y tế

Trả lời câu hỏi liên quan đến công tác cán bộ ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề "bác sĩ giỏi chưa chắc quản lý giỏi" được đại biểu nêu ra rất hay, cần quan tâm.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng được quán triệt theo các Nghị quyết của Đảng. Trong đó nói rất rõ tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các đơn vị sự nghiệp.

Bộ Y tế cũng đã ban hành tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm. Song, thực tiễn có một số cơ sở y tế, người quản lý có năng lực chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản lý. Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của đại biểu để qua đó xem xét, rà soát, có những điều chỉnh nhằm hướng đến việc bổ nhiệm cán bộ quản lý vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản lý.

Điều quan trọng, theo Bộ trưởng phải làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của người đứng đầu các đơn vị y tế. Đồng thời phải rà soát, xem xét căn cơ, nhất là hệ thống y tế cấp tỉnh, cấp huyện. Bà Trà khẳng định, ngay sau kỳ họp, Bộ sẽ báo Chính phủ vấn đề này.

MỚI - NÓNG