Bó tay với quảng cáo mỹ phẩm… “nổ”

Tràn lan quảng cáo “nổ” mỹ phẩm như thuốc của White Doctors trên mạng xã hội và website của công ty
Tràn lan quảng cáo “nổ” mỹ phẩm như thuốc của White Doctors trên mạng xã hội và website của công ty
TP - Dù chỉ được cấp phép là mỹ phẩm làm đẹp không có chức năng điều trị nhưng nhiều công ty sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm ở TPHCM vẫn “nổ” như thuốc, có công dụng điều trị, đặc trị nhiều bệnh lý ngoài da.

Mỹ phẩm “nổ” như… thuốc

Trên các diễn đàn và trang mạng, Công ty CP Mỹ phẩm G-White ở đường số 15, KDC Him Lam, huyện Bình Chánh, TPHCM, quảng cáo nguyên liệu làm nên các dòng mỹ phẩm của G-White được nghiên cứu và sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại Hàn Quốc và sản xuất ở nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP châu Á; sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ và được cấp phép của Bộ Y tế Việt Nam. Nhưng thực tế theo điều tra của Tiền Phong những lời quảng cáo “có cánh” đó trái với thực tế.

Nhìn vào những dòng giới thiệu về sản phẩm mỹ phẩm G-White nhiều người cứ ngỡ đó là thuốc trị bệnh. Tuy là mỹ phẩm làm đẹp nhưng công ty này thổi lên như thuốc bằng cách dùng các từ “điều trị” hay “đặc trị”. Cụ thể, ở sản phẩm “Serum Collagen” được Công ty CP mỹ phẩm G-White quảng cáo với công dụng: “đặc trị nám và phục hồi da với công thức vượt trội được triết xuất từ Lô Hội, Lúa Mạch, Hoa Cúc cùng vitamin A, C, E, từ trái cây tươi giúp thẩm thấu dễ dàng vào sâu bên trong, đánh bật các vết nám, tàn nhang và vùng da sạm đen cho làn da trắng mịn...”.

Chưa hết, sản phẩm kem đặc trị mụn G-White có tên tiếng Anh G-White Acne Clearing Cream, trong phiếu công bố chỉ là kem thoa hỗ trợ làm giảm mụn nhưng công ty này “nổ”: “đặc trị mụn”. Đi kèm với đó là những lời có cánh: “Kem đặc trị mụn G-White có hiệu quả trong việc loại bỏ các mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn cám,… giúp giảm viêm, giảm sưng, làm cho mụn se khô và loại bỏ hoàn toàn cồi mụn”.

Nhiều mỹ phẩm của White Doctors do Công ty TNHH Dược phẩm E.B.C Giang Điền (đường số 3, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sản xuất và Công ty TNHH Mỹ phẩm EBC Việt Nam (có địa chỉ tại 195/14, phường 25, Bình Thạnh, TPHCM và địa chỉ số 81 Đường số 3, KDC Cityland, phường 7, Gò Vấp, TPHCM) là đơn vị sở hữu thương hiệu - phân phối độc quyền cho dòng mỹ phẩm White Doctors, được quảng cáo là “đặc trị” và “điều trị” như thuốc chữa bệnh.

Hai địa chỉ website có tên miền http://www.whitedoctors.com http://www.whitedoctors.co quảng cáo mỹ phẩm này như là thuốc. Trên trang fanpage của công ty này và nhiều đại lý phân phối đều tung hô các mỹ phẩm của công ty với công dụng như thuốc chữa bệnh, nhấn mạnh là “đặc trị” và “điều trị”. Cụ thể, sản phẩm “Kem điều trị Mụn White Doctors Acne Pro” được cấp phép là mỹ phẩm, nhưng được công ty quảng cáo như “thần dược” với câu từ: “Trị mụn nhanh chóng chỉ trong 7 ngày”. Mỹ phẩm này còn được “nổ”: “loại hết được các loại mụn, bao gồm cả mụn thể nặng như mụn trứng cá, mụn bọc, mụn viêm, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ, mụn sưng tấy viêm nhiễm… mà còn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa mụn tấn công trở lại”.

“Kem điều trị nám thể nặng White Doctors Melasma Pro” cũng được “tung hô” với công dụng: “Kem điều trị nám thể nặng White Doctors sẽ giúp bạn điều trị nám thể nặng hiệu quả hơn cả mong đợi… nám không có cơ hội quay trở lại tấn công làn da của bạn nữa”.

Sản phẩm mỹ phẩm Bạch Linh do Công ty TNHH Mỹ Duyên Beauty phân phối ra thị trường, được Sở Y tế TPHCM cấp phép là mỹ phẩm nhưng sản phẩm này đang được quảng cáo rầm rộ như thuốc. Trong bản cam kết dành cho khách hàng, sảm phẩm cũng thể hiện với các khái niệm “điều trị”.

Bất lực?

Các loại mỹ phẩm nhập khẩu được Cục Quản lý Dược cấp công bố, quảng cáo trong khi mỹ phẩm sản xuất trong nước do các sở y tế tỉnh thành cấp phép. Tuy nhiên, hậu kiểm việc cấp phép và kiểm soát việc quảng cáo của các hãng mỹ phẩm lại đang bỏ ngỏ.

Điển hình là gần một năm sau khi tung ra thị trường, quảng cáo “nổ” mỹ phẩm “đặc trị, điều trị như thuốc các bệnh lý về da, các dòng mỹ phẩm của Công ty TNHH Karmarts Việt Nam (toà nhà Bluesky Tower đường Bạch Đằng, quận Tân Bình) mới bị Sở Y tế TPHCM sờ gáy. Mới đây, ngày 11/2, Sở Y tế TPHCM phát hiện sự việc và đã ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng công ty này bởi nhiều loại mỹ phẩm do công ty phân phối ghi thông tin có tác dụng “điều trị” như thuốc khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết việc ghi thông tin sản phẩm mỹ phẩm là “điều trị” hay “đặc trị” là vi phạm pháp luật. “Hành vi này có dấu hiệu lừa gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng” - lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nói và cho biết sẽ kiểm tra việc sản xuất cũng như kinh doanh của Công ty CP Mỹ phẩm G-White và những đơn vị liên quan.

“Lợi dụng kẽ hở của luật là không bắt buộc các công ty mỹ phẩm phải đăng ký quảng cáo, vì vậy, nhiều công ty lách bằng cách lên mạng và tạo các kênh trên youtube, facebook, zalo… vô tư “nổ” tuỳ thích. Trong khi đó, lực lượng quản lý mỏng không thể kiểm soát hết gần 1 nghìn công ty mỹ phẩm, với hàng chục nghìn mặt hàng hoạt động trên địa bàn TPHCM” - một cán bộ Sở Y tế TPHCM chia sẻ.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”. 

MỚI - NÓNG