Bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự thảo nghị quyết bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu, tranh luận, thảo luận nhằm bảo đảm phiên họp diễn ra sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc, trang nghiêm của phiên họp.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Như Ý

Chiều 20/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Sau gần 7 năm thi hành (năm 2015), Nội quy kỳ họp Quốc hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, một số điều, khoản không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, điểm mới đáng chú ý là quy định về việc đại biểu Quốc hội, khách mời không sử dụng các thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự để bảo đảm trật tự, bảo mật, an toàn thông tin.

Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất Quốc hội có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến. Đây là hình thức họp được triển khai trong hơn 3 năm qua, đã bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về việc này.

Cùng với đó, dự thảo nghị quyết cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu, tranh luận, thảo luận nhằm bảo đảm phiên họp diễn ra sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc, trang nghiêm của phiên họp. Đồng thời bổ sung quy định đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề.

Đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung nội dung Điều 46 về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, việc thành lập ủy ban lâm thời.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh Như Ý

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng viện dẫn khoản 6 Điều 7 dự thảo, bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khi nhận được “thông tin xấu, độc” về những nội dung đang được xem xét, quyết định. Theo cơ quan thẩm tra, đây là quy định cần thiết để bảo đảm quản lý chặt chẽ tài liệu, thông tin tại kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng hiện nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào quy định cụ thể về “thông tin xấu, độc”. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm túc, đúng đắn quy định này, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định làm rõ nội hàm của “thông tin xấu, độc” trong dự thảo.

Về thủ tục thẩm tra tờ trình về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội (Điều 46), đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra nhằm bảo đảm sự thận trọng, khách quan trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 37 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định phù hợp hơn quy trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao tại kỳ họp Quốc hội.

Loại ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không phải tổ chức phiên họp ủy ban để thẩm tra, vì thủ tục thẩm tra phải tuân theo những bước nhất định, đòi hỏi có thêm thời gian để thực hiện.

MỚI - NÓNG