Nhiều đại biểu cũng bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi trong tư duy quản lý dân cư của cơ quan chức năng. Hiện nay, với smartphone, ngồi tại nhà, người dân cũng có thể đăng ký kinh doanh, làm thủ tục hành chính, đặt vé máy bay, giao dịch chứng khoán, nộp tiền điện nước, mua thực phẩm…
Hiện đại là vậy, song cuốn sổ hộ khẩu thì vẫn như cũ. Với khoảng 27 loại thủ tục liên quan đời sống người dân, từ khai sinh, khai tử, xác nhận sơ yếu lý lịch, học hành, tới đăng ký kết hôn, cấp đăng ký xe, xin cấp điện nước, mua nhà, xác minh thừa kế…, không có hộ khẩu là việc không xong.
Hộ khẩu cũng sinh ra cách ví von một thời về “công dân hạng 2”. Những người từ các tỉnh lên thành phố lớn lập nghiệp, làm thuê không có đăng ký thường trú, không được nhập hộ khẩu thì khổ trăm đường. Con cái muốn vào trường công thì phải “chạy”, không “chạy” thì phải học dân lập, đóng học phí cao. Đến khi ốm đau nhập viện thì hộ khẩu xác định bảo hiểm y tế là đúng tuyến hay trái tuyến để được hưởng.
Ngay như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc làm ăn tự do ở TPHCM cũng khó nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước vì không có hộ khẩu. Hộ khẩu quan trọng như vậy nên mới có chuyện “chạy” hộ khẩu, làm giả hộ khẩu.
Thế giới hiện nay chỉ còn vài ba nước duy trì sổ hộ khẩu. Những bất cập liên quan sổ hộ khẩu đã được phản ánh từ lâu. Vì thế, việc dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Chính phủ trình ra Quốc hội đề xuất bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhận được sự đồng tình rất lớn của cả đại biểu Quốc hội và người dân.
“Đất lành chim đậu”, ở đâu lao động đổ về nhiều chứng tỏ ở đó phát triển và ngược lại. Ngày nay, có hộ khẩu hay không, người dân vẫn sống ở những nơi người ta cảm thấy dễ sống. Rõ ràng, hộ khẩu và điều kiện thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương đặt ra chẳng còn nhiều ý nghĩa, mà lại gây phiền phức cho người dân.