Bỏ quy định chi tiền phạt bồi dưỡng cảnh sát giao thông

Bỏ quy định chi tiền phạt bồi dưỡng cảnh sát giao thông
Cùng với nội dung đã được chỉ ra tạị báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật, những bất cập về việc trích thưởng cho cảnh sát giao thông từ tiền xử phạt vi phạm luật giao thông cũng được đại biểu gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

Những nội dung đại biểu muốn biết là số tuyệt đối và tỷ lệ tiền phạt vi phạm luật giao thông trong tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trong năm 2011, 2012. Tỷ lệ và số tuyệt đối tiền trích cho các ngành và cho cảnh sát giao thông từ tiền phạt này.

"Bộ trưởng có tán thành bãi bỏ chủ trương trích thưởng từ tiền phạt, buộc nộp hết vào ngân sách và chi trở lại theo nhu cầu hợp lý, cân đối với các nhu cầu khác?", đại biểu hỏi.

Văn bản trả lời từ Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, số tiền thu phạt vi phạm hành chính của các lĩnh vực năm 2011 là 5.904,404 tỷ đồng, 9 tháng năm 2012 là 5.113,248 tỷ đồng.

Riêng thu phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 là 2.540,770 tỷ đồng, năm 2012 là 1.998,8 tỷ đồng.

Bộ trưởng Huệ cho biết, 70% tiền tiền thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông được trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

10% cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương. 10% cho ban an toàn giao thông của tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Và cũng là 10% cho các lực lượng trực tiếp khác trực tiếp tham gia vào công tác trật tự an toàn giao thông tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Phần kinh phí phân bổ cho lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải, theo Bộ trưởng sẽ được dành từ 60 đến 80% để chi cho nhiều hoạt động khác, như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn trật tự giao thông…

Từ 20 đến 40% được dành để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu tử xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới, Bộ trưởng Huệ giải thích, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1-7-2013 không giao cho Chính phủ hướng dẫn quy định về quản lý tiền nộp phạt.

Đáng chú ý, để đảm bảo thu, chi ngân sách nhà nước được phản ánh đúng theo dòng tiền, theo quy định của luật và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước thời gian tới, toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Các nội dung chi liên quan đến công tác quản lý thu phạt vi phạm hành chính được quản lý theo dự toán thu chi của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Như vậy, chủ trương quản lý các khoản tiền phạt vi phạm hành chính như đại biểu nêu là hoàn toàn phù hợp với các định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật trong thời gian tới”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, cơ sở để chi 70% tiền phạt vi phạm Luật Giao thông dành để bồi dưỡng cảnh sát giao thông cũng đã được đại biểu Huỳnh Minh Thiện chất vấn Bộ trưởng Huệ bằng văn bản.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, câu trả lời của Bộ trưởng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội.

Theo Nguyên Vũ
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG