Bỏ qua cảnh báo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới

Bỏ qua cảnh báo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới
TP - Sau khi Tiền Phong đăng bài “Thế giới cấm, Lâm Đồng trồng vô tư sò đo cam”, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao có chuyện tréo ngoe đó và ai đã đưa loài cây này về trồng tại Việt Nam?

Trồng tràn lan loài cây xâm hại sò đo cam:

Bỏ qua cảnh báo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới

Thế giới cấm, Lâm Đồng trồng vô tư

Một số cán bộ nông nghiệp tại địa phương cho hay người đầu tiên đưa cây sò đo cam (có nguồn gốc từ châu Phi) về trồng tại Lâm Đồng là kỹ sư nông học Lương Văn Sáu. Ông quê ở Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, sang Pháp học Canh Nông, sau đó về sống tại Đà Lạt và đã mất cách đây mấy năm. Bác Sáu đã tặng chùa Quán Thế Âm (đường Bà Huyện Thanh Quan, TP Đà Lạt) cây sò đo cam vào năm 1963. Theo các nhà sư, sau khi trồng chừng 3 năm, cây ra hoa rất đẹp; nhiều người tìm đến hỏi xuất xứ và xin cây giống nhưng nhà chùa không biết làm thế nào bởi cây không có hạt, chưa bao giờ xuất hiện cây con dưới gốc.

Còn theo Giám đốc Cty CP Công trình Đô thị Bảo Lộc - Hoàng Văn Quang, năm 1997, được một người trong Hội Cây xanh Việt Nam ở TPHCM tặng một số cây sò đo cam, ông đã mang về trồng và thiết lập quần thể sò đo cam đầu tiên của Lâm Đồng bên hồ Đồng Nai (TP Bảo Lộc). Hạt giống từ quần thể này được ươm trồng rộng rãi ở TP Bảo Lộc. Sau đó đơn vị chuyển sang nhân giống sò đo cam bằng phương pháp giâm cành và đã bán cây giống cho nhiều huyện thành trong tỉnh và tỉnh bạn.

Không muốn cầm đèn chạy trước ô tô

Tháng 2-2010, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã báo cáo việc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) cảnh báo đây là loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới và đề nghị Sở NN&PTNT xem xét, chỉ đạo nhưng cuối năm đó, Sở lại có văn bản đề nghị các huyện, thành đăng ký mua hàng ngàn cây giống sò đo cam của Cty CP Công trình Đô thị Bảo Lộc; số tiền mua cây giống được trích từ nguồn kinh phí trồng cây nhân dân năm 2010 - 2011.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng - Lê Văn Minh nói: Mặc dù IUCN đã khuyến cáo nhưng về mặt pháp lý nhà nước chưa có văn bản chỉ đạo nào cả. Chúng tôi làm công tác quản lý trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của nhà nước. Lúc đó, các bộ ngành chưa có ý kiến gì mà Sở cấm trồng sò đo cam thì khác nào cầm đèn chạy trước ô tô?

Cũng cần nói thêm một công ty tư vấn và kiến tạo cảnh quan tại TPHCM đã từng cảnh báo sò đo cam là cây thân mộc cao lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh nhưng hệ rễ yếu, dễ bị gió làm đổ, gãy. Trong khi đó, đa số cây sò đo cam tại Lâm Đồng được trồng trên đường phố, trường học, công sở nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Ngày 13-10, Sở NN&PTNT Lâm Đồng có văn bản yêu cầu thống kê số lượng sò đo cam đã gieo ươm và trồng tại các huyện, thành phố. Theo lãnh đạo Sở, sau khi thống kê sẽ cùng ban ngành chức năng tìm hướng xử lý có khi phải xin ý kiến Bộ NN&PTNT bởi loài cây xâm hại này đã được trồng tràn lan ở một số tỉnh chứ không riêng gì Lâm Đồng - một lãnh đạo sở này nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG