Dearest Viet có tựa Việt là Việt yêu dấu, được nhào nặn dưới bàn tay đạo diễn người Nhật Kohei Kawabata và nhà sản xuất Yoshie Ruth Linton. Buổi chiếu trong khuôn khổ HIFF 2024 cũng chính là màn ra mắt toàn cầu của bộ phim.
Gặp gỡ Nguyễn Đức tại buổi ra mắt phim Dearest Viet (Việt yêu dấu). |
Chiến tranh vẫn chưa kết thúc
Là phim thuộc thể loại tài liệu, Dearest Viet theo chân Nguyễn Đức trong cuộc sống thường nhật cùng gia đình yên ấm với vợ và hai người con song sinh được đặt tên là Anh Đào - Phú Sĩ. Tuy đã có công việc ổn định và gia đình yêu thương, những cơn đau dai dẳng và nỗi buồn trong quá khứ vẫn đeo đuổi anh cho đến hiện tại.
Đó không chỉ là nỗi đau thể xác đến từ những ca mổ thập tử nhất sinh, mà đó còn là nỗi đau tinh thần khi mất đi người anh trai song sinh, và còn là sự ruồng bỏ từ chính cha mẹ ruột. Đạo diễn Kohei Kawabata chia sẻ trong quá trình làm phim, việc quan sát cuộc sống của Nguyễn Đức khiến anh nhận ra: “Chúng ta nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc nhưng thực tế thì nó vẫn đang diễn ra, khi nhìn vào cuộc sống của anh Đức, ta nhìn thấy mỗi ngày của anh đều là cuộc chiến đầy cam go với chất độc màu da cam”.
Dẫu vậy, Nguyễn Đức luôn chọn thái độ sống lạc quan, đầy tích cực, vượt lên mọi nghịch cảnh để sống một cách rạng rỡ, để yêu thương vợ con và để truyền cảm hứng cho cho mọi người. Trong cuộc chiến với số phận, Nguyễn Đức chưa bao giờ là kẻ đầu hàng, hệt như “chú lính chì dũng cảm” trong truyện cổ tích của nhà văn Andersen.
Buổi giao lưu với đoàn làm phim. |
Những giọt nước mắt nghẹn ngào
Bằng tài kể chuyện tài tình, đạo diễn Kohei Kawabata đưa ta chinh qua những dấu mốc trong cuộc đời của Nguyễn Đức, đồng thời giúp ta hiểu thêm về tính cách đời thường của anh cũng như những người thân yêu, với nhiều chi tiết hài hước và cảm động.
Nhiều khán giả không kìm được nước mắt, đã khóc nức nở trong suốt buổi chiếu. Phim kết thúc trong tràng vỗ tay không ngớt của toàn bộ khán phòng. Buổi giao lưu sau đó là những lời chia sẻ đầy nước mắt của Nguyễn Đức cùng đoàn làm phim.
Nguyễn Đức đã không ngừng rơi nước mắt trong suốt buổi giao lưu. Anh cho biết đây chính là bộ phim chân thực nhất từ trước đến nay về cuộc đời mình. Đã từng trải qua rất nhiều ca mổ sau cuộc đại phẫu tách rời, anh nói rằng: “Tôi không bao giờ là một con người tầm thường bởi tôi đã phải trải qua rất nhiều đau đớn”.
Buổi giao lưu còn có sự xuất hiện của Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người mà Nguyễn Đức trìu mến gọi là “má Phượng”. “Nếu không được má Phượng cứu, động viên, sẽ không có tôi ngày hôm nay. Má Phượng là người mà tôi không thể nào quên được”, anh nghẹn ngào bên cạnh người mà anh coi là mẹ.
Đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, dù Nguyễn Đức đã 42 tuổi vẫn là “bé Đức” của bà như hồi bế trên tay.
“Ca mổ tách rời Đức – Việt không phải là thành công về mặt kỹ thuật mà chính là thành công về giá trị nhân văn, đã mang lại cuộc sống cho một con người. Tôi tự hào về Đức, nó đã cố gắng nhiều, nói tiếng Nhật giỏi, làm thiện nguyện, giúp xã hội nhiều nhưng hoàn cảnh hiện giờ rất khó khăn, nếu có vấn đề gì thì tội nghiệp hai đứa con còn nhỏ”, bà chia sẻ.
"Má Phượng" - nhân vật đặc biệt trong cuộc đời Nguyễn Đức. |
Ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản đến tham dự buổi ra mắt phim. |
Rất nhiều người đã khóc tại buổi chiếu. |
Chia sẻ với Tiền Phong, Nguyễn Đức cho biết tình hình sức khỏe của anh hiện nay đang không tốt. Việc đặt ống tiểu trong cơ thể khiến thận anh bị nhiễm trùng ở mức đáng lo ngại. Chế độ ăn kiêng khem để giữ sạch ống tiểu theo yêu cầu của bác sĩ cũng khiến anh sụt nhiều cân.
“Dẫu vậy, mình vẫn muốn sống và sẽ sống thật tích cực để nhìn thấy hai đứa con lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”, anh Đức nói.