Bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm Chủ tịch nước, Thủ tướng

Bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm Chủ tịch nước, Thủ tướng
TPO - Quốc hội sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh khác.
Một phiên họp Quốc hội
Một phiên họp Quốc hội.

Chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về nội dung Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH. Dự kiến, QH sẽ thông qua Nghị quyết về đề án này để thực hiện.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết, Quốc hội sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Theo đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hằng năm đối với chức danh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Điều đáng chú ý, theo ông Phúc, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai.

“Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc cho từ chức” – Ông Phúc cho biết.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với chủ trương này và cho rằng, Quốc hội cần sớm thông qua một nghị quyết về vấn đề này để thực hiện trong năm nay.

Theo đó, về lộ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sẽ tiến hành xây dựng qui chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm để trình Quốc hội xem xét, ban hành tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.

Tăng chất vấn, giải trình

“Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc cho từ chức” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Một nội dung đáng chú ý khác của đề án, Quốc hội sẽ tăng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại những phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban (ít nhất mỗi năm hai lần).

Cùng đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội sẽ đổi mới mạnh mẽ, rút ngắn các báo cáo giải trình, tăng chất vấn trực tiếp theo từng nhóm vấn đề, theo hướng “đối thoại, tranh luận đến cùng từng vấn đề một”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị, đổi mới phải tính đến tính khả thi, không phải cái nào cũng dễ dàng ngày một ngày hai làm được ngay. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, phải đổi mới công tác tiếp xúc cử tri.

“Hiện nay, về cơ sở, đại biểu toàn tiếp xúc với đại cử tri, không gặp được những người dân cụ thể. Chưa kể, cử tri đề đạt nhiều vấn đề, nhưng vì không có đủ thẩm quyền nên đại biểu không đáp ứng, không giải quyết được gì nhiều, rất dở. Có những vấn đề, như điện đường trường trạm, rất bức xúc, mình hứa rồi không làm được, hay không hứa thì uy tín của đại biểu cũng bị giảm đi rất nhiều” - Ông Hiển nói.

Một số ý kiến cho rằng, khi tăng giải trình những vấn đề quan trọng tại các phiên họp tại các Ủy ban của Quốc hội thì các phiên họp này nên tổ chức truyền hình công khai, để toàn dân được biết.

Rút ngắn thời gian họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, có thể tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hướng rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp xuống còn 20 - 25 ngày, một năm 40 - 50 ngày (hiện nay từ 60 - 70 ngày), song vẫn hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng.

Để làm việc này, cần chuyển một số công việc tại kỳ họp sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội, thông qua những hội nghị trực tuyến (ví dụ như xin ý kiến lần đầu các dự án luật…).

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất theo hướng hàng năm tổ chức ba kỳ họp thay vì hai kỳ hiện nay. Kỳ thứ nhất chủ yếu bàn về công tác xây dựng luật pháp và một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, được tổ chức trong cả tháng ba.

Hai kỳ họp còn lại, chủ yếu để thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung khác, tổ chức từ 1 đến 15 - 7 và 1 đến 15 - 11 hằng năm.

Việc tổ chức kỳ họp vào những thời điểm trên phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta là đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, công tác ở địa phương, không có điều kiện tham gia đầy đủ các kỳ họp dài ngày như hiện nay.

Đồng tình chủ trương có thể tăng lên ba kỳ họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, “rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt, nhưng không nên đặt mục tiêu rút bao nhiêu, phải tùy tình hình cụ thể, đồng thời nên tăng hoạt động tại các Ủy ban nhiều hơn”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu tăng thêm một kỳ họp thì sẽ rất tốn kém. Vấn đề là, làm sao rút ngắn thời gian mà vẫn bảo đảm chất lượng kỳ họp.

Theo ông, Quốc hội có thể tổ chức những phiên họp trực tuyến để rút ngắn thời gian họp tập trung còn 25 - 30 ngày.

“Mỗi tháng, đại biểu Quốc hội ở địa phương cần dành 2-3 ngày tiếp xúc, thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử và địa bàn khác.

Đại biểu Quốc hội ở trung ương, ngoài tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, cần dành thời gian tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mình lựa chọn”

Dự thảo đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.