Bỏ phí dây chuyền hàng triệu USD vì thiếu rác

Công an phát hiện một vụ chôn rác độc hại xuống lòng đất. Ảnh: L.N
Công an phát hiện một vụ chôn rác độc hại xuống lòng đất. Ảnh: L.N
TP - Bỏ ra 6 tỷ đồng cho người dân thí điểm phân loại rác tại nguồn, 3 năm sau vẫn chưa có ki-lô-gam rác nào được chế biến thành phân compost, còn nhà máy trị giá hàng triệu USD thì nằm…chờ, phải xin nhập rác hữu cơ về để chạy thử.

> Lò xử lý rác y tế của lão nông đa tài

Công an phát hiện một vụ chôn rác độc hại xuống lòng đất. Ảnh: L.N
Công an phát hiện một vụ chôn rác độc hại xuống lòng đất. Ảnh: L.N.
 

Phân ra rồi… trộn lại

Tháng 2-2006, 9/14 phường của quận 6 được chọn thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn. Khi mới áp dụng, hầu hết người dân ủng hộ. “Chúng tôi được phát thùng đựng rác và túi ni lông để phân loại rác hữu cơ, vô cơ ngay từ nguồn nên ủng hộ từ đầu” - bà Nguyễn Thị Thu, ở phường 8, quận 6 cho biết.

Chị Anh, một hộ dân ở quận này cũng thừa nhận, ban đầu phía công ty môi trường nói mục đích của việc phân loại rác ra 2 loại vô cơ và hữu cơ là dùng để tái chế, sản xuất phân compost.

Ông Trần Văn Danh - Giám đốc Cty dịch vụ công ích quận 6 cho biết, giai đoạn một của chương trình quận 6 được cấp 6 tỷ đồng để thực hiện. Do thiếu kinh phí, trang thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đồng bộ nên tình trạng rác đã được phân loại xong bị các xe thu gom trộn chung lại với nhau một cách quá lãng phí.

3 năm sau khi chương trình thí điểm giai đoạn 1 kết thúc, 6 tỷ đồng được cấp cho quận 6 thí điểm phân loại rác vẫn chưa có ký rác nào tái chế được. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, lượng rác hữu cơ dư thừa ở TPHCM chiếm khoảng 90% có khả năng chế thành phân bón. Tuy nhiên, dự án phân loại rác chỉ dừng ở phân loại hộ gia đình nên khi được vận chuyển ra đến bãi chôn lấp lại trở thành rác chưa phân loại vì thiếu xe chuyên chở, phải đổ chung.

“Chôn” tiền và nằm chờ rác

Theo phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM, trong khoảng 6.000 tấn rác thải ra mỗi ngày ở TPHCM, chỉ có vài phần trăm được tái chế thành phân bón còn lại phải chôn lấp, tiêu tốn 300 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, lượng rác hằng năm vẫn không ngừng tăng lên, ước tính của sở là thêm 10% mỗi năm. Trong khi cơ sở sản xuất phân compost chỉ có công suất khoảng 2.000 tấn/ngày. Còn lại vẫn phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Đại diện Cty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết mỗi ngày chợ thải ra khoảng 40 tấn rác, trong đó 90% là rác hữu cơ, và nếu nó không được phân loại tại nguồn thì nguy cơ gây ô nhiễm ngày càng nhanh hơn.

“Thay vì tái chế để đem lại lợi nhuận, công ăn việc làm cho lao động, giảm thiểu môi trường thì chúng ta lại đi chôn, ảnh hưởng mực nước ngầm về sau. Việc làm này chẳng khác đem tiền đi chôn”- một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường phân tích.

Tính toán ban đầu cho thấy, khi dự án phân loại rác ở quận 6 thực hiện, lượng rác thu gom được trên khoảng 1.500 tấn, trong đó rác hữu cơ chiếm 1.125 tấn sẽ được sử dụng làm phân compost và điện. Lượng rác vô cơ còn lại sẽ được tái chế. Thế nhưng, sau 3 năm phân loại rác, lãnh đạo quận thừa nhận dự án “chỉ mới giúp dân biết thế nào là phân loại rác tại nguồn”.

Theo Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT mỗi tấn chất hữu cơ tái chế chỉ cần có giá khoảng 300.000 đồng thì mỗi ngày ngân sách thu được từ rác thải cũng tương đương 1 tỉ đồng. Theo bà Huỳnh Thị Lan Phương- Phó Tổng giám đốc Cty Xử lý chất thải rắn VN, đã đầu tư dây chuyền hàng triệu USD sản xuất phân compost với công suất 1000 tấn/ngày từ rác tái chế nhưng TPHCM vẫn chưa giao được rác đã phân loại nên nhà máy vẫn nằm chờ.

“Không có rác phân loại tại nguồn, chúng tôi xin nhập 10 nghìn tấn phế liệu để chạy nghiệm thu hệ thống vẫn không được TPHCM giải quyết”- bà Phương cho biết. Vì vậy, dây chuyền tái chế phân loại rác trị giá hàng triệu USD này tiếp tục phải đắp chiếu chờ có rác chạy thử để nghiệm thu, còn chờ đến bao giờ có rác thì câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.