Bộ nói có gia cầm giống nhập lậu, Hà Nội bảo không

Bộ nói có gia cầm giống nhập lậu, Hà Nội bảo không
TP - Gần đây mỗi tuần có 3-4 xe (hơn 100 nghìn con, loại gà choai) gà giống từ Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội, làm náo loạn thị trường gà giống, gây lo ngại bùng phát và lây lan dịch bệnh.

> Bộ Công an vào cuộc điều tra, bắt chủ buôn gà lậu từ Trung Quốc

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 30-8, theo quan sát của phóng viên Tiền Phong tại chợ gia cầm Đại Xuyên (Phú Xuyên - Hà Nội) - chợ giống lớn nhất Hà Nội, nhiều hộ bán gà 10-15 ngày tuổi, đeo mác “gà ta” và bán giá từ 13-16 nghìn đồng/con.

“Các lò ấp ở Đại Xuyên không ấp nuôi bán gà choai đó, chỉ bán gà một ngày tuổi, khách thường phải đặt trước với chủ lò. Gà choai mà nhiều hộ bán chính là gà lậu từ Trung Quốc” - chị Hoa, chủ một lò ấp tiết lộ.

Ông K., chủ lò ấp có tiếng ở Phú Xuyên, cho biết, ở Đại Xuyên thường có 3-4 đầu nậu chuyên chạy hàng gà, vịt choai, qua đường Lạng Sơn, Móng Cái.

Theo ông K., ở Trung Quốc, họ ấp ra nuôi đàn, sau đó, họ nhặt hết con trống (còn lại trong đàn khoảng 90% là mái), chuyển sang Việt Nam nên giá rất rẻ. Còn gà mái, họ nuôi để lấy trứng. Vì lãi lớn, nên chục chuyến, bị bắt vài chuyến vẫn có tiền đút túi.

“Với gà choai đó, chỉ bán 13 -14 nghìn đồng/con, cao thì 16-17 nghìn đồng/con. Còn gà của Việt Nam, nếu nuôi bằng cỡ đó, phải bán được 17-20 nghìn đồng/con, thậm chí hơn. Vì rẻ hơn 3-4 nghìn đồng/con, nên người dân vẫn mua nhiều, còn so về chất lượng, không thể bì được với các trung tâm giống của ta. Một hình thức nữa, là họ nhập trứng Trung Quốc về để ấp, tuy nhiên, do nhiều rủi ro, nên hiện ít người làm”- ông K. nói.

Nhiều lái buôn gà giống cho biết, ở Trung Quốc có chính sách hỗ trợ, nếu xuất đi thấp hơn giá thành, sẽ được trợ giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi tuần có khoảng 3-4 xe gà giống lậu từ Trung Quốc, thường chở về Phú Xuyên vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần.

Mỗi xe khoảng 20-30 nghìn con, trong đó gà chiếm tới 90%. Trên xe bao giờ cũng có 3-4 loại biển số, lúc thì 17 (Thái Bình), lúc 99 (Bắc Ninh), lúc biển 30 (Hà Nội), thành xe không có biển số.

Vừa rồi, các cơ quan liên ngành kiểm tra gắt gao, đối tượng buôn lậu không dùng xẻ tải để chở gà, mà dùng xe du lịch 9 chỗ, tháo ghế để chở, để tránh cơ quan liên ngành.

Lo sợ không kiểm soát được dịch bệnh

Dù gia cầm giống lậu vẫn vào Hà Nội, nhưng trao đổi với Tiền Phong, ông Cấn Xuân Bình, Quyền Chi cục trưởng Thú y Hà Nội khẳng định: “Hiện hầu như không có gia cầm, kể cả gia cầm giống nhập lậu vì giá trong nước quá thấp, chăn nuôi thua lỗ”.

Theo ông Bình, trước đây gia cầm giống lậu từ 10- 15 ngày tuổi là chủ yếu. Gần đây, đã hạn chế tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, gia cầm giống, kể cả gà loại thải nhập lậu từ Trung Quốc vẫn về Hà Nội.

Ông Trọng cho hay, khi nhập lậu về Việt Nam, gà choai được hợp thức hóa giấy tờ thú y, nên có thể vận chuyển đi khắp cả nước. Nguy hiểm nhất là không kiểm soát được dịch bệnh, nguy cơ lây lan rất lớn.

“Các type virus cúm gia cầm mới xuất hiện ở nước ta, có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi chưa có vắc-xin hiệu quả. Mặt khác, ta đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Do vậy, đây là điều rất phức tạp và nguy hiểm”- ông Trọng lo lắng.

Ông Trọng cho biết, khu vực Phú Xuyên là nơi mất an toàn sinh học nhất miền Bắc hiện nay, không khác gì chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín).

Muốn xử lý, thú y của huyện, thành phố, kết hợp với chính quyền xã, công an ở Phú Xuyên tìm ra các đầu nậu thu gom để xử lý triệt để.

Ông Trọng cảnh báo: “Các tỉnh, đặc biệt là Hà Nội làm quyết liệt, thì vùng biên giới sẽ bớt ngay, vì gà lậu muốn sang không biết bán cho ai, thì nhập vào làm gì. Còn nếu không, nguy cơ phát tán dịch bệnh là rất lớn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG