Bỏ nhà đi “bụi” và “mất tích bí ẩn”

Bỏ nhà “đi bụi” khiến các nữ sinh có nguy cơ bị xâm hại tình dục Ảnh minh hoa (Nguồn internet)
Bỏ nhà “đi bụi” khiến các nữ sinh có nguy cơ bị xâm hại tình dục Ảnh minh hoa (Nguồn internet)
TP - Thời gian vừa qua, việc nhiều nữ sinh bỗng dưng “mất tích bí ẩn” đã khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Tuy nhiên, sau đó nhiều vụ việc được xác định là người trẻ chủ động bỏ nhà đi “bụi”.

1001 lý do…

Ngày 19/2/2019, Công an xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nhận được thông báo của gia đình hai nữ sinh L.T.B.X và V.T.P (Trường THCS Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) về việc hai em bỗng dưng mất tích sau khi đến nhà bạn chơi cách đây mấy ngày. Công an vào cuộc và trong buổi chiều cùng ngày đã tìm thấy các em đang chơi ở một ngôi nhà hoang trong xã. Khi được hỏi lý do bỏ nhà đi, cả hai em đều cho biết vì bố mẹ cấm sử dụng điện thoại và bị đánh.

Ngày 25/2, báo chí lại đưa tin về vụ việc nữ sinh Đ.T.P (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bỗng dưng mất tích sau khi đi học. Khoảng 1 tuần sau, gia đình nữ sinh lại thông báo đã tìm thấy con ở nhà chị họ ngoài Hà Nội và do muốn giấu gia đình nên P đã không nhắn tin, gọi điện về nhà. Lý do P bỏ đi được gia đình chia sẻ là vì bị mẹ mắng.

Chiều tối ngày 23/7, tài khoản Lan Anh đã đăng tải lên Facebook thông tin cháu gái ruột của chị là B.N.Y.N (10 tuổi) cùng bạn học là cháu T.U đang đạp xe đạp chơi dưới sân chung cư thì bỗng nhiên bị mất tích. Không chỉ nhờ cậy mạng xã hội lan toả thông tin tìm kiếm giúp, cả hai gia đình còn thông báo với công an. Ngay trong buổi đêm hôm đó, công an phường Trung Hòa đã đưa 2 cháu về nhà an toàn. Được biết, nguyên nhân vụ việc là do cháu T.U bị mẹ mắng và nói sẽ đánh cho một trận nên cháu đã rủ Y.N cùng bỏ nhà ra đi.

Chiều ngày 3/8, Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thông báo đã tìm thấy em T.T.T. L (15 tuổi, trú tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà). Trước đó vài ngày, L đã cầm theo 2 điện thoại của bố mẹ rời khỏi nhà mà không nói với gia đình là đi đâu. Tối đến, không thấy con gái về, bố mẹ L và người thân mới tá hỏa đi tìm kiếm nhưng không có tin tức. T.L sau đó được công an tìm thấy khi đang đi chơi đêm ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Tại cơ quan công an, L nói bỏ nhà ra đi là do buồn chán vì thi trượt lớp 10.

Đêm 16/8 vừa qua, lực lượng công an cũng đã tìm thấy nữ sinh N.T.V.A (sinh năm 2003, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh) tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Trước đó, tối 12/7, V.A xin phép gia đình đi sinh nhật bạn, tuy nhiên đến khuya không thấy về, điện thoại không gọi được. Rất nhiều kịch bản xấu về việc bắt cóc, buôn bán nội tạng, cướp giết hiếp… đã được cộng đồng mạng đưa ra tiên đoán khiến gia đình vô cùng lo lắng. Sau khi được tìm thấy bình an, nữ sinh V.A cho biết lý do bỏ nhà đi vì cảm thấy chán nản nên muốn đi tìm việc làm. Trong lúc chờ xin việc, V.A quen một người đàn ông ở quận Hoàng Mai nên đến ở nhờ để tiếp tục tìm việc làm.

Hay mới đây nhất, vụ việc cô gái N.V.T.M (sinh năm 1999, trú tại Di Linh, Lâm Đồng) bỗng dưng mất tích ở sân bay Nội Bài trong lúc chờ lên máy bay để về Lâm Đồng, khiến dư luận một phen xôn xao, bàn tán. Theo camera sân bay ghi lại, T.M đã lên taxi với một người đàn ông lạ. Lo sợ con gái bị lừa, ép, dụ dỗ, bỏ bùa mê… người nhà của M đã liên tục đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm kiếm, thu hút hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt bình luận. Các trang bói toán, gieo quẻ được phen rộn ràng khi đưa ra dự đoán về những cái kết đầy bi kịch. Tuy nhiên, 3 ngày sau, cô gái này đã được công an tìm thấy khi đang vui chơi ở Khánh Hòa và chuyến “đi bụi” này là hoàn toàn chủ động, tự nguyện. Theo những người bạn của T.M, cô bỏ đi vì gia đình phản đối chuyện yêu đương.

Bỏ nhà đi “bụi” và “mất tích bí ẩn” ảnh 1

TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện nghiên cứu Thanh niên) cho rằng gia đình và nhà trường nên giáo dục khả năng tự bảo vệ bản thân cho các em

Làm bạn cùng con

Chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam, TS Lê Nguyên Phương cho rằng hành động bỏ nhà ra đi thường xảy ra ở trẻ tuổi vị thành niên, vì ở lứa tuổi này nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể cân nhắc các hậu quả của hành vi. Khả năng diễn đạt ý tưởng và cảm xúc của mình với người xung quanh, cũng như những kỹ năng điều hoà và kiểm soát những xung động cảm tính của trẻ, cũng còn giới hạn. Vì vậy, trẻ thường cảm thấy bất lực trước những yêu cầu của người khác, và có thể xem như những đòi hỏi mang tính áp bức đối với chúng.

“Hành động bỏ nhà ra đi ở trẻ vị thành niên là ý muốn giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Trẻ có thể cho rằng cha mẹ là nguyên nhân của tất cả những khó khăn trong cuộc sống của mình, những yêu cầu của cha mẹ là áp lực không thể chịu đựng được. Trong một số trường hợp, trẻ muốn chứng tỏ sự trưởng thành và tự lập của mình. Trong nhiều trường hợp khác, chúng chạy trốn tình trạng cha mẹ ly dị, bạo hành, xâm hại, kỳ thị giới tính, cùng các khủng hoảng tại trường”, TS Lê Nguyên Phương lý giải.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc) cũng phân tích: “Nếu trong độ tuổi này, một đứa trẻ bỗng thường xuyên nói dối bố mẹ và bỏ nhà đi tức là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có vấn đề”. Theo đó, cuộc sống quá nhiều áp lực, bố mẹ mải mê kiếm tiền và không dành thời gian cho con trẻ khiến trẻ cảm thấy bơ vơ, cô đơn. Trong khi trẻ có rất nhiều nhu cầu của tuổi mới lớn, thích khám phá, thích tự do yêu đương, thích làm đẹp, thích vui chơi… thì phụ huynh lại cấm cản, không lắng nghe. Nhiều bố mẹ chỉ biết quan tâm tới điểm số, ép con học cho bằng bạn, bằng bè, mắng chửi. Dần dần, trẻ học cách nói dối, bỏ nhà đi để giải thoát bản thân. Cũng có trẻ bỏ đi để được bố mẹ quan tâm hơn.

Trong rất nhiều trường hợp bỏ nhà ra đi, cũng có không ít trường hợp mất tích mãi mãi hoặc rất nhiều năm sau mới trở về được với gia đình. TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện nghiên cứu Thanh niên) cảnh báo đây là một vấn đề đáng báo động đối với toàn xã hội. “Hiện tượng thanh thiếu niên bỏ nhà “đi bụi” thời gian gần đây có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bị bắt cóc, bị lừa, bị giết… Nguy cơ các em sa vào các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm… gây nên sự xáo trộn cho gia đình và hoang mang, bất ổn cho xã hội”, TS Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra.

Theo chuyên gia Lê Thị Túy, bố mẹ cần có những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý của con. Nếu như chưa biết cần tìm hiểu thêm qua các hội, nhóm, các chuyên gia tâm lý. Bố mẹ cần sắp xếp lại thời gian, dành thời gian cho con nhiều hơn, làm bạn cùng con, quan tâm các mối quan hệ của các con để tránh việc bị lôi kéo, lợi dụng.  “Cha mẹ nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp gia đình, qua đó cùng con cái thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cần thẳng thắn, quyết liệt nhưng không được áp đặt”, bà chia sẻ.

Đồng tình với những ý kiến trên, TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng gia đình và nhà trường nên giáo dục khả năng tự bảo vệ bản thân cho các em để tránh nguy cơ xấu từ bên ngoài. Ngoài ra, cần giáo dục tính tự lập, không đổ lỗi cho người khác và hiểu rằng tự lập không đồng nghĩa với việc bỏ nhà đi hay sống tách biệt với gia đình.

TS Lê Nguyên Phương khuyên phụ huynh sau khi các con trở về, nên nhẹ nhàng nói chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân, tuyệt đối không được đánh mắng trẻ. Nên giải thích cho trẻ về những nguy cơ có thể gặp phải khi bỏ nhà ra đi, và bày tỏ rõ ràng thái độ không chấp nhận hành vi này của mình.

Bỏ nhà đi “bụi” và “mất tích bí ẩn” ảnh 2

TS Lê Nguyên Phương (Người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam)

MỚI - NÓNG